Phú Thọ: Chủ động kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường

BVR&MT – Những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, trong đó ưu tiên công tác phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ ô nhiễm, đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý môi trường ao nuôi.

Với phương châm không chấp thuận dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương nâng cao chất lượng, kiểm soát ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ, đặc biệt chú trọng các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đồng thời, yêu cầu các chủ dự án có phương án, kế hoạch xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các công trình đảm bảo xử lý nước thải, khí thải đáp ứng yêu cầu quy chuẩn trước khi đưa dự án vào hoạt động chính thức.

Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức thẩm định, phê duyệt 372 báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường cho 52 dự án; xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường trên đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt cho 148 dự án. Việc nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là yếu tố then chốt phòng, ngăn ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Định kỳ hàng năm, các cơ quan chức năng thực hiện quan trắc, lấy mẫu phân tích các thành phần môi trường (đất, nước, không khí) để có cơ sở, dữ liệu đánh giá diễn biến môi trường, tạo hệ thống dữ liệu môi trường nền có tính liên tục.

Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, ngành liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường tại khu, cụm công nghiệp, cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, làng nghề, lưu vực sông, đô thị và khu vực nông thôn. Ngoài ra, ngành chức năng thường xuyên giám sát những cơ sở có nguồn thải lớn, các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (sản xuất xi măng, giấy, hoá chất, dệt nhuộm, chăn nuôi tập trung…) để kịp thời hướng dẫn, yêu cầu chấp hành quy định về bảo vệ môi trường; đôn đốc, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động liên tục để kiểm soát nguồn khí, nước thải trước khi thải ra môi trường. Đến nay đã có 10 đơn vị lắp đặt, truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát, quản lý số liệu theo quy định.

Hiện, toàn tỉnh có 21 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định, trong đó có ba khu công nghiệp và năm cụm công nghiệp đã, đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải phải cam kết, tự chịu trách nhiệm xử lý nước thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

Tại các khu vực có mật độ dân cư cao như thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, các thị trấn, công tác kiểm soát chất lượng không khí được tăng cường thực hiện. Đi đôi với tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường, tỉnh đã xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi địa bàn thành phố Việt Trì. Song song với đó, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải không đúng quy định; giám sát, quản lý phương tiện vận tải, đặc biệt là các xe chở nguyên vật liệu, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển nguyên vật liệu không có biện pháp che chắn, để rơi vãi ra các tuyến đường gây ô nhiễm môi trường; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường không khí…

Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2025. Nhờ đó, đến nay tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và khu dân cư tập trung đạt trên 74%, tỉ lệ chất thải nguy hại được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt 99,94%.

Để kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động sản xuất, chăn nuôi, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động người dân không đốt phụ phẩm tự phát, xây dựng bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng để thu gom, tránh xả ra môi trường gây ảnh hưởng nguồn nước, đất; áp dụng biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi như: Xây hầm biogas, sử dụng men ủ, ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý môi trường ao nuôi thủy sản…

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, hình thành và nhân rộng các khu dân cư tự quản về vệ sinh môi trường. Ngành Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai một số nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp; sớm hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục có camera theo dõi và thiết bị lấy mẫu tự động, kết nối, truyền số liệu trực tiếp; thực hiện quan trắc nước thải định kỳ, tự động, liên tục, công khai kết quả quan trắc theo quy định…