Nỗi lo cạn kiệt ngân sách bao phủ COP24

BVR&MT – Nỗi lo lớn nhất của các đại biểu tham dự COP24 vẫn là việc đề ra những biện pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa Thỏa thuận Paris được ký kết từ năm 2015, đặc biệt là vấn đề ngân sách.

Năm 2015, 195 quốc gia công nhận ảnh hưởng của BĐKH do con người gây ra và cam kết lập ra những mục tiêu hành động chống BĐKH, viết tắt là NDC. Trong đó, 18 quốc gia phát triển cam kết gây dựng 100 tỉ đô la mỗi năm kể từ năm 2020 để giúp các nước khác thực hiện NDC, đồng thời các quốc gia này cũng hứa đóng góp cho quỹ Green Climate Fund (GCF). Quỹ GCF được thành lập từ năm 2010 tại COP16 với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia đang phát triển giảm lượng khí thải nhà kính.

Cam kết là vậy, song tại cuộc họp báo đầu tiên của COP24 với chủ đề “Thế giới thứ 3 cần gì để ở dưới mức 1,5 độ C?”, anh Nathan Thani – đại diện Demand Climate Justice chia sẻ: “Trong thời khắc mọi thứ lung lay, GCF lại gần như không có tiền”.

Trả lời băn khoăn của khối quốc gia đang phát triển (LMDC), ông Saadullah Ayaz, Điều Phối Viên chương trình BĐKH của chính phủ Pakistan cũng không giấu nổi nỗi lo: “Các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc cần đưa ra những biện pháp gây quỹ. Nếu không có đủ ngân sách, bao nhiêu kế hoạch hành động cũng không có ý nghĩa gì”.

Phiên họp toàn thể Hội nghị COP24 (Ảnh: Mai Mai)

Trái ngược với tâm trạng quan ngại của phần đa đại biểu, ông Douglas Leys, Cố vấn GCF trấn an: “Nếu nói GCF đang thiếu tiền thì không hoàn toàn đúng… Ba năm trước, các quốc gia phát triển hứa đóng góp 10 triệu đô cho quỹ và thực sự đã góp được 7 triệu đô. Đúng là số tiền này đã gần hết. Tuy nhiên, chúng tôi đang chuẩn bị chương trình gây quỹ đợt II”.

Khi được hỏi về việc Mỹ rút khỏi Thỏa Thuận Paris, ông Leys bày tỏ sự lạc quan về việc những quốc gia khác vẫn sẵn sàng hỗ trợ GCF: “Chính phủ Đức đã chính thức cam kết tiếp tục đóng góp trong đợt gây quỹ thứ 2 và chúng tôi cũng nhận được tính hiệu khả quan từ nhiều chính phủ khác”.

Ông Leys cũng cho rằng Liên hợp quốc vẫn hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu 100 tỉ đô la/năm trong hai năm tới vì theo Báo cáo IPCC về sự nóng lên toàn cầu của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH vừa được công bố, nếu các quốc gia không nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận Paris thì chỉ trong vòng 12 năm nữa, trái đất sẽ nóng lên đến mức không có đường quay lại.

“Tôi hy vọng báo cáo IPCC sẽ thúc đẩy các quốc gia hành động”, ông Leys cho hay.

Tuy nhiên, không nhiều đại biểu tham dự Hội nghị chia sẻ sự lạc quan của ông Leys. Bà Donia Rahamtalla, đại diện Bộ Nông Nghiệp Sudan phát biểu: “Tôi thật sự nghi ngờ về mục tiêu gây dựng quỹ trước khi kết thúc năm 2020. Năm nào cũng vậy, các quốc gia phát triển đưa ra lời hứa này đến lời hứa khác”.

Ông Ayaz cũng nhấn mạnh việc đàm phán đang bị phức tạp hoá một cách không cần thiết do tất cả các quốc gia phát triển và chưa phát triển đều có tầm nhìn quá thiển cận. “Mọi người chỉ quan tâm đến quan điểm chính trị và luật pháp mà quên đi các hành động cụ thể”.

Nhìn chung, sau ngày khai mạc, nỗi lo lắng của phần đông đại biểu tham dự COP24 vẫn là tiến độ đàm phán và đi đến thỏa thuận, không khí cũng chùn hơn hẳn so với ba năm về trước, nhất là khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – người nổi tiếng quan tâm đến vấn đề môi trường cũng không tham dự.

Nếu cứ theo đà này, tương lai của Thỏa thuận Paris và theo đó là tương lai của trái đất trước viễn cảnh nóng lên toàn cầu, đang rất lung lay.

Mai Mai (Từ Ba Lan)

CHIA SẺ