BVR&MT – Tình hình khai thác sông Mê Kông đang thay đổi một cách nhanh chóng. Nuôi trồng thủy sản hiện là một trong những ngành tăng trưởng mạnh nhất, cung cấp việc làm và cải thiện đời sông người dân. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành nuôi trồng lại không mang lại lợi ích cho ngư dân truyền thống vốn sống nhờ dòng sông này qua nhiều thế kỷ.
Nghề cá truyền thống đang bị đe dọa.
Sự thay đổi lớn này có nguyên nhân chính từ sự sụt giảm đáng kể trữ lượng cá tự nhiên tại lưu vực Hạ nguồn sông Mê Kông.
Khoảng 10 đến 15 năm trước, mỗi ngày một ngư dân kéo lưới có thể đánh bắt khoảng 100 đến 300 kg cá. Tuy nhiên, tới thời điểm này, ngư dân cho biết họ chỉ đánh bắt được từ 5 đến 15 kg một ngày.
Việc đánh bắt cá quá mức, đánh bắt sử dụng lưới điện bất hợp pháp, hạn hán, nhu cầu tiêu thụ tăng và mức độ xâm nhập mặn gia tăng do biến đổi khí hậu là những nguyên nhân gây suy giảm sản lượng cá. Tuy nhiên, rất nhiều ngư dân vẫn cho rằng các đập thủy điện phía thượng nguồn là nguyên nhân chính của việc giảm nguồn lợi thủy sản và Lào cùng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho việc này.
Hạ nguồn sông Mê Kông đảm bảo an ninh lương thực cho khoảng 70 triệu người, nhiều hơn 10 triệu người so với 2 thế kỉ trước, trong bối cảnh các hoạt động phát triển kinh tế diễn ra ồ ạt trên sông Mê Kông từ du lịch, xây dựng đập đến khai thác cát…
Nạo vét cát hiện cũng gây nên tranh cãi vì vi phạm luật pháp môi trường địa phương và khiến nhiều người dân phải rời khỏi mảnh đất truyền thống của họ. Thế nhưng, cát vẫn được một số quốc gia như Singapore tích cực nhập khẩu để phục vụ cho xây dựng. Singapore đã đóng góp hàng triệu USD cho Campuchia, một quốc gia nằm ở đồng bằng nhiều phù sa, từ việc nhập khẩu cát từ nước này.
Ông David Totten, Giám đốc hãng tư vấn về các thị trường mới nổi Emerging Markets Consulting (EMC) cho rằng việc định giá sông Mê Kông gặp nhiều khó khăn do khó đong đếm các chi phí cơ hội – những chi phí để bù đắp cho những thứ mà dòng sông cung cấp hiện nay.
Ông Totten nhận định rằng rất nhiều người nghèo đang đánh bắt cá trên sông Mê Kông và dòng sông cũng là nguồn cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp, nước uống cho gia súc, phù sa màu mỡ cho những cánh đồng và cũng là tuyến đường vận chuyển gạo, sắn và các loại thực phẩm khác.
Nhu cầu cá ở lưu vực Hạ nguồn Mê Kông tăng lên đáng kể trong khi lượng cá lớn khan hiếm tới mức họ chấp nhận thay thế bởi cá nhỏ hơn. Với nguồn cung không đáp ứng đủ cho sự phát triển, nuôi trồng thủy sản đang nổi lên như một ngành quan trọng, giúp bù đắp sự thiếu hụt cho các hộ gia đình làm nghề đánh cá. Tỷ lệ tăng trưởng ngành nuôi trồng thủy sản trong lưu vực Hạ nguồn sông Mê Kông đang nhanh gấp ba lần so tốc độ toàn cầu. Tổng sản lượng khai thác cá từ sông Mê Kông và lưu vực Hạ nguồn sông đạt giá trị 11 tỷ USD trong năm 2015.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào đây do không tìm được các dòng sông sạch ở nước họ. Công ty China Ocean Fishing Holding Ltd đang đàm phán về một dự án nuôi trồng thủy sản trị giá 100 triệu USD tại Campuchia bao gồm các đầm nuôi cá, nhà máy thức ăn và nhà máy chế biến. Công ty đầu tư Vitamar của Na Uy đang muốn xây dựng một trang trại nuôi cá trị giá 23 triệu USD tại cảng phía nam thị trấn Sihanoukville, Campuchia. Trong khi đó, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản cũng có kế hoạch riêng cho chương trình nhân giống cá và một trung tâm nghiên cứu tại Phnom Penh, Campuchia.
Theo dự đoán, sản xuất thủy sản trên thế giới được sẽ cao hơn sản lượng đánh bắt cá truyền thống vào năm 2023 và được kỳ vọng sẽ giúp thay đổi nền an ninh lương thực, cải thiện cuộc sống hàng triệu người dân tại khu vực Hạ nguồn sông Mê Kông, những người vẫn đang kiếm sống bằng lao động tay chân truyền thống.
Đập thủy điện – nguy cơ lớn nhất
Hoạt động xây dựng đập trên dòng chính con sông dài nhất khu vực là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Các nhà môi trường kịch liệt phản đối việc xây dựng đập trên sông Mê Kông nhưng đây lại là một phần chính trong kế hoạch đưa đất nước thoát nghèo của chính phủ Lào, với mục đích biến quốc gia không có biển này trở thành “Cục pin của Châu Á”.
Lào muốn bán điện cho các quốc gia láng giềng nên đã xây dựng hàng loạt các đập thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh sông Mê Kông.
Mới đây, chính phủ Lào đã thông báo và tham vấn xây dựng đập Pak Beng, đập thứ 3 trên dòng chảy chính sông Mê Kông và cố gắng xoa dịu những lo ngại đối với mô hình nuôi cá truyền thống và những tranh cãi về việc xây cầu thang giúp cá có thể di cư lên thượng nguồn để đẻ trứng. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng các phương án này là không thuyết phục.
Theo bà Anna Green, Giám đốc điều hành Ngân hàng ANZ tại Lào việc đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất và du lịch, phát triển thủy điện sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực trong những năm tới. Tuy nhiên, “các chính phủ trong khu vực phải thừa nhận sự cần thiết của việc quản lý tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm và cần tăng cường nhận thức về tác động trực tiếp từ những quyết định xây dựng đập tới nguồn tài nguyên có sẵn cho các thế hệ tương lai” .
Những thách thức phát triển đang lan rộng trên khu vực Mê Kông, tuy nhiên cả người dân và các chính phủ phải luôn thừa nhận rằng phát triển bền vững là mục tiêu cần hướng tới.
Công Anh (ANZ)