Những dấu hỏi đằng sau cái chết của Tê giác Nepal

  1. BVR&MT – Hàng ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ xô đến VQG Chitwan của Nepal mỗi năm để được nhìn ngắm những con Tê giác một sừng lớn (Rhinoceros unicornis hay Tê giác Ấn Độ). Nhưng đối với hướng dẫn viên về động vật hoang dã 46 tuổi Nabin Adhikari, những con vật to lớn đó giống như các đồng nghiệp. 16 năm gắn bó giúp Adhikari hiểu rõ những loài động vật quý hiếm và môi trường sống của chúng.

“Chỉ một vài tháng trước, tôi thấy hai con tê giác đánh nhau trong hai hay ba tiếng đồng hồ gì đó”, anh nói khi bắt đầu một tour du lịch buổi sáng sớm. “Cuối cùng, cuộc chiến kết thúc và một con tê giác bị chết”.

Adhikari đã báo cáo vụ việc cho nhân viên thú y của VQG.

Tê giác một sừng ở Vườn quốc gia Chitwan (Ảnh: Sagar Giri/Mongabay).

Vụ việc Adhikari chứng kiến chỉ ​​là một trong số ít nhất nửa tá những cái chết của tê giác vì những nguyên nhân không liên quan đến con người xảy ra tại VQG trong chín tháng đầu năm 2018. Và cái chết này dường như đại diện cho một xu hướng ngày càng tăng ở đây. Từ năm 2004 đến 2014, tổng số 81 con tê giác đã chết vì nguyên nhân tự nhiên hoặc không rõ – trung bình khoảng 7 con mỗi năm. Con số này đang tiếp tục tăng lên: Từ năm 2015 đến năm 2017, 60 cái chết tương tự đã được ghi nhận, trung bình 20 con mỗi năm.

“Bất cứ khi nào nhận được một cuộc gọi báo cáo về tê giác chết, chúng tôi luôn có một cảm giác rằng nó phải là tê giác Ấn Độ”, một nhân viên VQG nói.

Các cơ quan bảo tồn Nepal – vốn được ca ngợi vì chiến thắng cuộc chiến chống nạn săn trộm và bảo vệ quần thể tê giác của đất nước đạt tới những con số chưa từng thấy – hiện đang lo lắng về các mối đe dọa đối với loài này, trước mắt là những nguyên nhân “không giải thích được” hoặc “cái chết tự nhiên” đang gia tăng một cách báo động. Sự tăng đột biến về những cái chết như vậy kể từ năm 2014 đang được Bộ Vườn quốc gia và bảo tồn động vật hoang dã xem xét nghiêm túc, gần đây đã thành lập một ủy ban để chuẩn bị một báo cáo về vấn đề này.

Tê giác một sừng ở Vườn quốc gia Chitwan (Ảnh: Sagar Giri/Mongabay).

Giả thuyết và giả thuyết

Kết quả nghiên cứu của chính phủ về những cái chết tê giác vẫn chưa được công bố. Trong khi chờ đợi, người ta đưa ra một số giả định.

Các hướng dẫn viên như Adhikari luôn để mắt đến tê giác – sinh kế của họ phụ thuộc vào việc biết những chỗ nào khách du lịch có nhiều khả năng thấy những con vật mà họ phải trả tiền để đến xem. “Đối với tôi, lý do tê giác chết là chúng đánh với nhau thường xuyên hơn”, Adhikari nói. “Nhưng nếu bạn muốn hiểu về tê giác, bạn cần phải nhìn vào Rapti”.

Uốn lượn từ đông sang tây dọc theo biên giới phía bắc Chitwan, sông Rapti là mạch sống cho tê giác, loài dành phần lớn cuộc đời đắm mình trong nước hoặc nhai cây thủy sinh. Lái xe qua vùng đệm Rừng cộng đồng Kumroj ở phía đông của VQG, Adhikari chỉ về xa xa: “Đó là những hố nước nơi chúng tôi nhìn thấy tê giác mỗi ngày đằm mình suốt 16 giờ vào mùa hè. Nhưng bây giờ, bạn không nhìn thấy các hố nước hay tê giác nữa”.

Những quan sát của Adhikari được khoa học chứng thực và đúng là con sông đang biến đổi. Nhà nghiên cứu động vật có vú Shant Raj Jnawali chỉ ra một số yếu tố tác động đến điều này, ví dụ như: số người định cư ở vùng thượng nguồn con sông tăng lên đã dẫn đến suy thoái đất và có nhiều phù sa hơn trong nước. Trầm tích này đã định hình lại lòng sông, lấp đầy các hố nước trước đó vốn được tê giác sử dụng. Việc xây dựng các tuyến đê dọc theo phần phía đông của VQG cũng làm thay đổi dòng chảy của con sông.

Tê giác đang cảm nhận được tác động. Lũ lụt năm ngoái đã gây thiệt hại chưa từng có về tài sản và thương vong cho động vật. Dòng nước nhấn chìm phần phía đông của VQG và ít nhất 15 con tê giác bị cuốn trôi sang Ấn Độ. Một con được tìm thấy đã chết trong khu vực phía tây. Nhiều con khác bị thương.

“Đó là ảnh hưởng có thể nhìn thấy ngay lập tức của lũ lụt nhưng cũng có những thứ không rõ ràng lắm”, theo Ram Kumar Aryal, người đứng đầu Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Quỹ Ủy thác Quốc gia về Bảo tồn thiên nhiên của Nepal. Aryal, người đã tham gia vào chương trình bảo tồn tê giác của Nepal kể từ khi thành lập, nói rằng lũ lụt có thể đã đẩy đàn tê giác xuống phía hạ lưu, vào khu vực phía tây của VQG.

Tê giác cũng có khả năng di chuyển về phía tây để tìm kiếm các hố nước mới sau khi những hố cũ bị lấp đầy, Jnawali nói.

Nhưng trong khi người dân địa phương và các nhà khoa học nổi bật dường như đã đạt được một sự đồng thuận rằng quần thể tê giác ở phía tây của VQG đã tăng lên, và ý nghĩa chính xác của điều đó vẫn là một chủ đề tranh luận.

Jnawali và Aryal nghi ngờ rằng khi mật độ tê giác tăng lên trong khu vực phía tây của VQG, loài tê giác sống ở đó phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt để giành lấy nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn của khu vực. Quan sát từ hướng dẫn của Adhikari và Chủ tịch Rừng cộng đồng Kumroj Hira Bahadur Gurung ủng hộ điều này. “Chúng tôi đã thấy những con tê giác đánh nhau để tranh một hố nước, đánh nhau với cả bạn tình, thậm chí con tê giác đực giết cả con non của một con cái không chịu thua”, Adhikari nói. “Bây giờ khó mà thấy được tê giác ở khu vực phía đông”, Gurung nói thêm.

Narendra Man Babu Pradhan, cựu giám thị của Vườn quốc gia Chitwan, đặt câu hỏi liệu sự cạnh tranh gia tăng có thực sự dẫn đến những cái chết của tê giác hay không: “Chúng ta có thể thấy nhiều trường hợp chết ở phía tây hơn vì quần thể tập trung ở đó. Chúng tôi không muốn tê giác chết ở những nơi chúng không sinh sống”.

Tê giác một sừng ở Vườn quốc gia Chitwan (Ảnh: Prateek Rungta /Mongabay).

Tê giác thuộc thời kỳ “bùng nổ tê giác con” đang chết?

Một giả thuyết khác về những cái chết cho thấy chúng ta đang chứng kiến ​​hiện tượng chết tự nhiên của những con tê giác thuộc lứa “bùng nổ tê giác con”. Vào cuối những năm 1960, quần thể tê giác ở Chitwan giảm xuống mức thấp, còn khoảng 100 con. Chính phủ Nepal đã nỗ lực bảo tồn loài, thậm chí huy động quân đội để bảo vệ tê giác khỏi những kẻ săn trộm.

Kết quả là dẫn đến sự gia tăng lớn các quần thể tê giác – chúng sống đủ lâu để sinh con và đến lượt những con non tiếp tục sinh sôi, thậm chí, các nhà nghiên cứu đã so sánh vui về sự gia tăng quần thể tê giác với hiện tượng “bùng nổ trẻ sơ sinh” ở Hoa Kỳ thời hậu Thế chiến II.

“Khoảng 45 năm kể từ khi chính phủ thực hiện các biện pháp bảo tồn nghiêm ngặt để bảo vệ tê giác”, Aryal nói. Những người nuôi thú ở Nepal quan sát thấy loài này có tuổi thọ 45 năm. “Vì vậy, có thể những con tê giác được sinh ra trong quá trình tăng đột biến tê giác con đang chết dần. Điều đó có thể giải thích về số lượng cái chết gần đây”.

Brook Milligan, Giáo sư sinh học tại Đại học bang New Mexico, cũng có linh cảm tương tự. Tuy nhiên, Jnawali, đặt câu hỏi liệu chúng ta có thực sự thấy sự kết thúc tuổi thọ tự nhiên của những con tê giác thuộc thời kỳ bùng nổ tại Chitwan hay không. Tuổi thọ tê giác trong tự nhiên chưa được nghiên cứu đầy đủ.

“Trong những năm làm việc với tê giác, tôi đã thấy chúng sống chỉ trong 15-20 năm và đó là lý do tại sao giả thuyết về những con thuộc thời kỳ bùng nổ có thể không đúng”. Ông đề xuất một lý thuyết thay thế: vì ít tê giác bị giết bởi những kẻ săn trộm, đơn giản là chúng chết vì tuổi già hoặc các nguyên nhân tự nhiên khác. Trong quá khứ, những kẻ săn trộm nhắm vào những con tê giác trưởng thành và loại bỏ chúng khỏi đàn – sừng được bán theo trọng lượng và những con tê giác già hơn có sừng lớn hơn. Khi số vụ săn trộm giảm, ông hy vọng sẽ thấy những cái chết của tê giác vì “nguyên nhân tự nhiên” tăng.

Tê giác một sừng ở Vườn quốc gia Chitwan (Ảnh: Sagar Giri/Mongabay).

Xác định nguyên nhân tử vong: Khó về dễ

Chiều muộn, nhóm của bác sĩ thú y Amir Sadaula nhận được một cuộc gọi khác.

“Một con tê giác được tìm thấy đã chết gần Meghauli, ở phía tây của VQG”, Sadaula nói qua điện thoại. “Đôi khi chúng tôi đến được địa điểm xảy vụ việc trong vòng vài giờ. Nhưng có những lúc khi đến được đó đã là cả tuần sau khi một con tê giác chết. Khi nhóm đến nhanh, thật dễ dàng để xác định nguyên nhân cái chết”.

“Thông thường, khi nhìn thấy một con tê giác chết, chúng ta ngay lập tức hiểu cái gì đã giết chết nó”, kỹ thuật viên thú y Purushottam Pandey nói. Đôi khi, tê giác bị mắc kẹt trong đầm lầy và chết ở đó. “Chúng tôi cũng đã nhìn thấy tình huống khi tê giác cái không thể sinh con rồi thì một hoặc cả hai đều chết, thậm chí, tôi còn nhìn thấy tê giác chết vì bị điện trên hàng rào VQG giật”. Tất cả những cái chết không do săn trộm như vậy sẽ được tính là tự nhiên.

Tuy nhiên, sự chậm trễ khiến việc khám nghiệm xác tê giác trở nên phức tạp hơn. “Nếu chúng tôi đến địa điểm xảy ra vụ việc trễ, sẽ thật khó để xác định nguyên nhân cái chết. Đó là lý do tại sao rất nhiều cái chết đã được phân loại là “nguyên nhân không rõ”, Pandey nói.

Thậm chí còn khó xác định nguyên nhân cái chết khi thời tiết xấu. “Trong hơn ba tháng mùa mưa, không dễ dàng cho các hướng dẫn viên về động vật hoang dã hoặc các viên chức VQG đến thăm các khu vực nơi loài tê giác sống”, Jnawali nói. Trong thực tế, cái chết xảy ra trong thời gian này có thể không được tính.

Trong khi những cái chết này là một vấn đề đáng quan tâm đối với tất cả các bên liên quan nhưng cũng hé ra cơ hội, Pradhan, cựu giám sát viên của VQG Chitwan nói. “Trong những năm đầu bảo tồn, chúng tôi tập trung vào những con số và cứu càng nhiều tê giác càng tốt. Nhưng bây giờ chúng ta cần phải vượt qua điều đó và áp dụng một cách tiếp cận khoa học hơn về quản lý sinh cảnh, tính đến cả khả năng chịu tải của VQG nữa”.

Đây cũng là khuyến cáo của Ủy ban chính phủ được hình thành để xem xét những cái chết này. Ủy ban, do nhà sinh thái học Laxman Poudyal đứng đầu, cho biết một số lượng tê giác chưa từng có đang sống trong VQG và kêu gọi chính phủ tiến hành một nghiên cứu để xác định sức chịu tải của sinh cảnh.

https://baovemoitruong.org.vn/

Nhật Anh (Theo Mongabay.com)

Tags: ,
CHIA SẺ