BVR&MT – Không mộng mị, không giật mình, không mê mệt, ngọt như đêm no rượu no lời, cơ thể khỏe khoắn như vừa nạp đủ rượu thịt, như sau cuộc vùng vẫy dưới suối dưới sông, đó là cảm nhận của tôi qua một đêm với ông Ma Hồng Phủ, người đã lập nên bản Choán Ván, một bản thuộc xã Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, nơi có hơn 4 cây số đường biên với huyện Mã Quan, Vân Nam, Trung Quốc.
Vâng, đêm qua trong căn nhà truyền thống của người Mông, những hồi ức của ông Phủ như cuốn tôi vào dòng sông cổ tích. Qua lão nông này tôi được biết cái ngày rục rịch du cư của những người Mông ở bản Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương trong đó có nhà ông Phủ,. Chuyện di cư năm 1989 ấy đã từng làm nóng huyện, nóng tỉnh. Rồi kế hoạch giãn dân, đưa dân lên giáp biên giới khai hoang phục hóa, ổn định cuộc sống và tham gia bảo vệ biên giới của tỉnh, của huyện. Rồi ông Phủ một mình lặn lội đến Choán Ván thăm đất rồi một mình ông nhận trách nhiệm với họ tộc dẫn dắt 8 gia đình trong dòng họ đi khai hoang phục hóa lập nên bản Choán Ván ngày nay.
Từ nhát dao phát mở đường đầu tiên đến thành một bản làng quần tụ là cả một chặng đường. Chặng đường ấy không chỉ vì cái no cái đói của một ngày, một năm, mà là vì bước ngoặt đi, ở của cả một họ. Ông Phủ bảo: “Lần đầu tới Choán Ván thăm đất tôi đã thành con nai khát thấy suối nước, tôi đã quyết định lội dọc lội ngang khắp vùng đất, sau đó ngủ lại một đêm để đo sự cho, nhận của núi rừng.”, “Sau lần ấy bác đã chuyển cả nhà đến.”, “Không, còn phải hai lần thăm dò, cùng anh em đi thăm lại một lần nữa, rồi được huyện đưa vào kế hoạch phục hoang 8 nhà trong dòng họ mới cùng nhau lên Choán Ván lo nơi ăn nơi ở mới cho mình.”, “Những năm ấy các gia đình ở bản mới sống ra sao?”, “ Khó, khó lắm, ruộng đất mang tiếng là phục hoang, nhưng trên mặt đất là cây cối, lẩn khuất dưới đất là mìn, có hai con trâu bị dính mìn, cả họ phải ăn giúp đấy.”, “Lúc ấy trường thì xa, đường thì chưa mở các cháu học hành ra sao?”, “Còn học gì nữa, người lớn phải lo cái ăn lâu dài, trẻ con phải lo cái ăn trước mắt. Cũng may cây cối chết do đốt nương, dọn ruộng gặp mùa mưa nấm mọc trắng đất. Nấm mang ra chợ Mường Khương bán nghìn rưỡi một ống, người mua có đủ một nồi canh ngon, người bán có được nửa ống ngô đỡ cho một bữa.”, “Vậy làm thế nào mà các bác xóa đói giảm nghèo nhanh thế?”, “Từ giống mới, từ thảo quả, từ dắt nhau qua núi, qua suối. Bản được giao quản lý hai mươi sáu héc ta rừng nguyên sinh theo dọc đường biên. Bộ đội biên phòng bảo giữ được rừng là góp phần giữ gìn biên giới, huyện bảo không chỉ giữ rừng mà phải bắt rừng nuôi mình. được sự ủng hộ, giúp đỡ biên phòng, của huyện chúng tôi mày mò, lăn đẵm với cây thảo quả và được cây thảo quả đưa ra khỏi đói nghèo.”…
Cứ thế, tôi hỏi ông Phủ trả lời, từ câu chuyện đà đưa trong men rượu Mường Khương tôi còn được biết thêm về một Choán Ván đã và đang theo kịp được sự phát triển của huyện. Điện đã về đến từng nhà. Đường giao thông dẫn về đến ngõ. Bản đã xóa được đói giảm được nghèo, hủ tục lạc hậu được đẩy lùi… Đặc biệt bản đã thành lập được tổ tự quản đường biên mốc giới, tổ đã tự tổ chức tuần tra, phát hiện, báo cho đồn biên phòng ngăn chặn việc xâm lấn đất đai, vượt biên trái phép, chăn thả gia súc qua biên giới….
Trong những tháng ngày kiên trì, bền bỉ gìn giữ bình yên bản làng, bình yên biên giới ông Phủ cùng dân bản đã làm tốt công tác ngoại giao nhân dân, trong đó có việc đấu tranh giữ đất giữ rừng. Đó là vào thời điểm giữa năm 1995 ông Phủ phát hiện dưới cánh rừng cổ thụ bạt ngàn thuộc khu vực mốc 137 có nhiều khóm thảo quả không phải người Choán Ván trồng. Sự việc được ông báo lên đồn Biên phòng 241. Cán bộ Đồn cùng dân bản kiểm tra, xác định hơn 50 nghìn khóm thảo quả (chừng 2 ha) sắp đến kỳ thu hoạch là do người dân bên kia biên giới trồng lấn sang đất rừng bên ta. Đã trồng cây trái phép qua biên giới hai nước thì hoặc phải nhổ bỏ hoặc thương thảo để người trồng nhận tiền đền bù cây giống và công chăm sóc. Để tránh căng thẳng giữa hai bên, sau khi tìm hiểu, biết những người trồng thảo quả phía bên kia cùng là người Mông, hai bên đã từng thăm thân lẫn nhau, được sự hướng dẫn của cản bộ đồn biên phòng ông Phủ đã sang bên kia biên giới gặp gỡ, phân tích đúng sai với các chủ hộ trồng thảo quả trái phép. Sau nhiều lần đi lại, trao đổi, có mềm mỏng, có cứng rắn, có sự giúp đỡ của trưởng thôn bên bạn, kết quả họ đã nhận tiền hỗ trợ và giao lại diện tích thảo quả quá canh cho người dân Choán Ván…
Ông Ma Hồng Phủ đã lên rừng về. Ông như chui ra từ biển sương trắng lòa nhòa. Trên lưng ông là cái lù cở chứa đầy măng, nấm hương, mộc nhĩ, khiến cho bụng dạ tôi khấp khởi cựa quậy chờ đợi một bữa sáng ngon lành. Thấy tôi náo nức trước buổi sáng trong lành ông Phủ hồ hởi chỉ cho tôi những cánh rừng tươi rói trải dài suốt từ mốc 750 đến mốc 754. Dọc bốn cây số đường biên ấy, bên kia đỉnh núi là nước bạn, bên này đỉnh núi là đất mình, dưới những cánh rừng ngút ngàn bên này là thảo quả. Với người Mông vạn vật đều có linh hồn, gìn giữ cây, gìn giữ đất là gìn giữ linh hồn của tổ tiên, của đất nước, tâm nguyện này đã nằm trong tim, trong óc của từng người. Và trong lễ hội ăn thề bảo vệ rừng hàng năm cũng như trong gặp gỡ hàng ngày nó lại được người Mông ở Choán Ván đưa ra để nhắc nhở nhau, bảo ban nhau.
Bài, ảnh: Đoàn Hữu Nam