BVR&MT – Từ niềm đam mê trồng trọt anh thanh niên thế hệ 8X Phan Đức Thiện ở làng Mai Thịnh (xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) đang sở hữu cho mình “bộ sưu tập” cây ăn quả lạ và đầy tiềm năng trên chính mảnh đất quê hương.
Xã Nghĩa Mai xưa nay được biết đến là xã đặc biệt khó khăn (xã 135) với hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, các tuyến đường hầu như xuống cấp nghiêm trọng nên việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân gặp rất nhiều gian nan. Dẫu khó khăn là thế nhưng con người nơi đây luôn cần cù, chịu khó. Có lẽ bởi vậy mà thiên nhiên ban tặng cho người dân Nghĩa Mai mảnh đất bazan màu mỡ với khí hậu thích hợp để trồng trọt. Tận dụng điều đó, anh thanh niên Phan Đức Thiện đã từ bỏ công việc ở một xí nghiệp với thu nhập hơn chục triệu đồng để trở về mảnh đất bazan khởi nghiệp.
Niềm đam mê trồng trọt
Vốn là người đam mê trồng trọt, khi nghỉ việc, anh Thiện dành nhiều thời gian để sống với đam mê. Mảnh vườn với diện tích 3.000 m² anh đã dành ra khoảng hơn 1.000 m² để trồng thí nghiệm các giống cây ăn quả “rất lạ” ở vùng quê mình. Anh cùng với người vợ suốt nhiều năm đã đã mày mò tìm hiểu các giống cây thông qua các trang báo, trang web nước ngoài để tìm mua và nhân giống tại vườn.
Có khoảng hơn 10 loại cây ăn quả đang được gia đình anh chăm sóc thủ công trong khoảng 3 năm nay. Đáng kể đến là giống mận Tam Hoa, cây chôm chôm, cây vú sữa Hoàng Kim, cây đào Lào, mận Quân giống lai (ghép trên cây mận quân rừng), cây xoài Thái, na Thái, nho thân gỗ, cherry Đà Lạt, bưởi đường,… Các loại giống chủ yếu được lấy từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, một số khác được gia đình anh xách tay từ nước ngoài về. Đã có các loại cây cho quả như cây cherry Brazil, ổi tím Malaysia, cây sơ ri, cây nhãn tím (giống cây nhãn cho quả quanh năm), cây quýt đỏ,…Các loại cây đã cho thu hoạch đểu thể hiện tính vượt trội khi được trồng trên đất bazan.
Chị Phan Thị Sen – vợ anh Thiện cho hay: “Anh nhà tự nhân giống, ghép, chiết cành các loại cây, đã cho quả và có dấu hiệu tích cực. Mặc dù mới chỉ chăm sóc thủ công nhưng đều cho quả to và ngọt”.
Chị cũng chia sẻ các loại cây trước khi thu hoạch khoảng một, hai tháng bà con hay bón phân kali để cho quả ngọt hơn. Tuy nhiên đối với gia đình chị thì hoàn toàn để tự nhiên, chưa tác động các loại phân bón hóa học vào cây với mục đích thí nghiệm xem cây có phù hợp với điều kiện tự nhiên hay không và để đảm bảo chất lượng đầu ra theo tiêu chí “ngon – bổ – rẻ”. Hiện nay anh còn sở hữu một kênh Youtube “Kỹ thuật ghép cây” với hơn 18,4 ngàn lượt đăng kí theo dõi, chia sẻ về quá trình, thành phẩm của gia đình anh. Đây cũng là một nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Cơ hội làm giàu từ giống sung Mỹ
Trao đổi cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, anh Thiện hào hứng chia sẻ: “Cách đây vài năm, tôi có cơ hội ra Hà Nội học hỏi về giống cây và biết đến cây sung Mỹ. Tại các nước phát triển như Châu Âu, Nhật Bản người ta rất ưa chuộng loại cây này và đã trồng rất lâu, nhưng đối với Việt Nam vẫn còn ít, mới chủ yếu là khu vực An Giang. Tôi đã quyết định mua một cây sung nâu của Thổ Nhĩ Kì từ Đài Loan về trồng. Thật may đến nay tôi đã nhân giống được hơn 600 cây cho quả”.
Sung Mỹ là loại cây ăn quả mới lạ, đầy hấp dẫn đối với người Việt Nam. Quả sung Mỹ khá mềm, dẻo, thơm, có mật ngọt thanh khá ngon nên được nhiều người yêu thích. Trái cây được ủ để làm đồ uống hoặc sử dụng như thuốc nhuận tràng bởi chứa nhiều nhiều mucin. Những hạt rất nhỏ của quả giúp thu tiêu các độc tố, chất nhầy trong ruột và tống xuất ra ngoài cơ thể.
Anh Thiện cho biết thêm: “So với các loại cây ăn quả khác, giá trị kinh tế mà cây sung mang lại lợi hơn rất nhiều. Không chỉ mới lạ, dễ chăm sóc mà gia đình tôi còn có thể khai thác mọi khía cạnh từ cây sung như bán giống, cây chiết và cả cây trưởng thành để làm cảnh. Điều này cũng giúp gia đình tôi có thêm thu nhập”.
Đối với quả, gia đình anh chế tạo ra hai thành phẩm là trái sung tươi và sung sấy. Anh tự mua máy và sấy an toàn trong vòng 8 tiếng, loại này thời gian bảo quản sẽ được lâu hơn so với thành phẩm sung tươi. Gia đình anh cũng không hái đại trà, khi có khách đặt mua mới hái sung tươi bởi loại này chỉ được 2-3 ngày nếu không sẽ bị lên men.
Với mảnh vườn 3000 m² anh Thiện dành khoảng 2/3 diện tích để trồng hơn 1000 cây sung Mỹ, trong đó hơn 600 cây đã cho quả. Giống sung này cho quả quanh năm và cũng không quá nhiều công đoạn chăm sóc. Bệnh chủ yếu trên cây là sâu cuốn lá và thời điểm quả chín sẽ bị kiến, chim ăn. Vì quỹ đất còn hạn hẹp, mỗi ngày gia đình anh chỉ thu từ 2 – 4 kg sung tươi. Hiện nay bán sung Mỹ tươi dao động 150.000 đồng/kg, còn đối với sản phẩm sung sấy sẽ có giá 500.000/kg. Mỗi tháng gia đình anh thu về hơn 15 triệu đồng, tùy thuộc vào số lượng khách đặt có thể hơn 20 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Hoài Ân – Bí thư Đoàn xã Nghĩa Mai những ngày này cũng rất bận bịu vì hướng dẫn khách và đoàn thanh niên tham quan mô hình tiêu biểu của anh Thiện. Chị chia sẻ: “Mô hình trồng sung Mỹ của anh Thiện là mô hình mới, tiêu biểu của Đoàn thanh niên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi dự đinh sẽ giới thiệu mô hình này tới các đoàn viên thanh niên để nhân rộng, phát triển kinh tế. Đồng thời kêu gọi một số nguồn vốn như quỹ Thanh niên lập nghiệp để phát triển mô hình”.
Điều mà anh Thiện băn khoăn nhất không phải là sâu bệnh, thị trường mà là quỹ đất. Trong dự định anh muốn mở rộng thêm vài ha nhưng phải đất đỏ bazan hoặc tối thiểu là đất trắng pha cát để cây phát triển năng suất được. Bởi hiện tại anh đã nhân giống thành công hơn 10 loại giống sung khác như: Giống BRN, giống ADAM, giống Whirte Madrei, giống Jinao fen,…
Thời gian vừa qua, Huyện đoàn Nghĩa Đàn cùng chính quyền địa phương cũng thường xuyên thăm hỏi mô hình và có những định hướng để phát triển. Anh Võ Đức Tùng – Bí thư Huyện đoàn Nghĩa Đàn đánh giá rằng: “Đây là mô hình đầu tiên tại Nghĩa Đàn, là mô hình tiềm năng, dễ chăm sóc, thu hoạch giá bán khá cao ( 120.000 – 150.000/kg) với thị trường chủ yếu là các siêu thị hoặc bán lẻ. Trong thời gian tới, huyện sẽ khuyến khích thanh niên học tập mô hình này, tiến tới thành lập Hợp tác xã nếu quy mô được thực hiện ở diện tích rộng”.
Một số giống cây mới lạ được anh Thiện nhân giống thành công và trồng trên đất bazan do phóng viên ghi nhận:
Hà Linh