BVR&MT – Thời gian gần đây, cụm từ “Day Zero” (Ngày không nước) liên tục được nhắc đến như một hồi chuông báo động về tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt tại Nam Phi.
Đó là khi người dân tại thành phố Cape Town không còn nước sinh hoạt và thấm thía hơn sự quý giá của nguồn nước mà hầu hết người dân trên thế giới đều mơ hồ cho rằng đó là nguồn dự trữ vô tận trong thiên nhiên.
Đây cũng là minh chứng cụ thể về nguy cơ một cuộc khủng hoảng nước không hề xa vời mà thực sự đang hiện hữu. “Khát nước trong tương lai” là nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu con người không có những giải pháp khẩn cấp và đồng bộ ngay từ bây giờ.
Thế giới thực sự có nguồn nước dồi dào nhưng phân bố không đồng đều. Hơn 97% lượng nước trên Trái Đất là nước mặn, chủ yếu tập trung ở các đại dương và các vùng biển, 3% còn lại là nước ngọt nhưng gần 2/3 lượng nước này tồn tại ở dạng sông băng và các mũ băng ở các cực, còn lại là nước bề mặt (sông, hồ….), nước ngầm và trong không khí.
Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), mỗi năm có khoảng 42,8 nghìn tỷ m3 nước ngọt cung cấp cho Trái Đất, đồng nghĩa với việc mỗi một người có 16,216 lít nước sinh hoạt mỗi ngày, gấp 4 lần mức nhu cầu trung bình của người dân một quốc gia như Mỹ dành cho sinh hoạt cá nhân, gia đình, sản xuất công nghiệp và nuôi trồng nông nghiệp.
Liên hợp quốc cho rằng những con số này phản ánh nguồn tài nguyên thiết yếu trong mọi hoạt động của cuộc sống đủ phục vụ nhu cầu sinh sống, phát triển của loài người trên Trái Đất, nhưng cũng cảnh báo nguồn tài nguyên này sẽ không đủ nếu chúng ta không thay đổi thói quen sử dụng nước như hiện nay.
Con người đã quá quen thuộc với những vòng tuần hoàn mưa-nắng, đưa nước trên bề mặt bốc hơi rồi lại rơi xuống các sông hồ, cùng với đó là những mạch nước ngầm chạy sâu dưới lòng đất luôn sẵn sàng chờ đợi các mũi khoan đúng mạch và cho rằng đây là điều bất biến.
Nhưng khi có bàn tay khai thác của con người, vạn sự đều thay đổi, có thể theo chiều hướng tốt lên và cả xấu đi. Điều này càng đúng hơn khi trong quá trình phát triển, con người đã khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách thiếu sự quy hoạch và quản lý khoa học, phù hợp.
Trồng trọt là ngành tiêu hao nhiều nước nhất để phục vụ tưới tiêu khi có tới 70% lượng nước được sử dụng cho nhu cầu này. Các ngành công nghiệp tiêu hao khoảng 19% trong khi sinh hoạt hộ gia đình hết khoảng 11%.
Lượng nước tiêu thụ trên Trái Đất trong giai đoạn từ năm 1964 và 2014 đã tăng gấp đôi cùng với sự bùng nổ dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa và quá trình đẩy mạnh sản xuất tiêu dùng. Dự báo, con số này sẽ còn tăng khoảng gấp rưỡi nữa từ nay đến năm 2050.
Dân số tăng nhưng nguồn tài nguyên thì ngày càng khan hiếm dẫn tới tình trạng cung không đủ cầu. Tại Nigeria, phụ nữ và trẻ em phải hứng nước uống từ các vòi công cộng không đảm bảo vệ sinh, 57 triệu người dân nơi đây không có nước sạch trong khi hơn 45.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì bệnh tả do thiếu nguồn nước đảm bảo vệ sinh. Ở Ấn Độ, 76 triệu người chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch.
Dù Ngân hàng thế giới (WB) dự đoán đến năm 2020, các cuộc chiến tranh để tranh giành nguồn nước mới nổ ra, nhưng ở New Dehli, cuộc chiến về nước diễn ra hàng ngày khi người dân xô xát trong lúc hứng từng giọt nước từ các xe chở nước của chính phủ.
Các số liệu khảo sát mới nhất của FAO cho thấy có tới 45 quốc gia trên thế giới đang phải trải qua tình trạng thiếu nước; 29 quốc gia trong số này, trong đó có Algeria, Israel và Qatar, rơi vào tình trạng cực kỳ khan hiếm với lượng nước trung bình cho mỗi người trong năm chưa đến 500m3.
Nguồn nước không chỉ cạn dần mà còn bị hủy hoại và ô nhiễm tới mức không thể sử dụng do những hoạt động canh tác và sử dụng thiếu quy hoạch của con người.
Không chỉ những nguồn nước bề mặt bị ảnh hưởng mà cả nguồn dự trữ ngầm cũng đứng trước nguy cơ không hề nhỏ khi có tới 1/3 dân số thế giới đang phụ thuộc vào các nguồn nước ngầm dẫn tới tình trạng đáng báo động là nguồn dự trữ nước quan trọng này đang bị tận dụng quá mức.
Nước ngầm là nguồn nước uống của ít nhất một nửa dân số trên thế giới và là nguồn cung cấp hơn 40% nước tưới tiêu. Phải mất rất lâu để nguồn nước chủ chốt này khôi phục về mức ban đầu, với thời gian có thể là hàng vài thế kỷ.
Giáo sư Peter Gleick, Hiệu trưởng danh dự của Viện Thái Bình Dương, đồng thời là tác giả của cuốn sách “The World’s Water,” nhận định nếu những nguồn nước này cạn kiệt có thể dẫn tới những tình trạng nguy hiểm như sụt lún nền đất hoặc nước biển xâm nhập vào mạch nước ngầm ở những vùng duyên hải.
Bên cạnh đó, hiện tượng ấm lên toàn cầu đang được cảnh báo trên mọi phương diện cũng sẽ khiến cho tình trạng khan hiếm nước càng trở nên nghiêm trọng hơn. Hiện tượng này ảnh hưởng tới quá trình tạo nước khi tác động tới các điều kiện thời tiết tạo mưa như gió và độ ẩm, kéo theo những biến đổi về nguồn nước và nhu cầu sử dụng nước.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) dự đoán biến đổi khí hậu khiến tình trạng hạn hán xảy ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn ở một số khu vực vốn đã khô cằn, giảm lượng nước bề mặt cũng như lượng dự trữ nước ngầm. Nếu tình trạng ấm lên toàn cầu không cải thiện thì đến năm 2030, thế giới sẽ thiếu 40% lượng nước cần thiết.
WB năm 2016 từng cảnh báo tình trạng khan hiếm nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn vì tác động của biến đổi khí hậu sẽ “làm bốc hơi” tới 6% GDP hàng năm tại một số khu vực, là một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng di cư và tạo mầm mống xung đột.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo tới năm 2040 sẽ có tới 600 triệu trẻ em, nghĩa là trên thế giới cứ 4 em thì có 1 em sẽ phải sống trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Tình trạng khan hiếm nước đang tạo nguy cơ dẫn tới một cuộc khủng hoảng nước toàn cầu với hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, bởi đây không chỉ là nguồn tài nguyên có vai trò thiết yếu đối với sự sống mà còn là tiền đề để phát triển kinh tế.
Người dân xếp hàng chờ lấy nước tại Cape Town, Nam Phi ngày 16/2. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)
Từ năm 2015, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã đánh giá khủng hoảng nước là một trong những nguy cơ toàn cầu có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, xếp trên cả các yếu tố như thảm họa thiên nhiên, khủng hoảng di cư hay tấn công mạng.
Trong Báo cáo phát triển nguồn nước thế giới 2018 công bố ngày 19/3, Liên hợp quốc ước tính khoảng 3,6 tỷ người (gần một nửa dân số toàn cầu) phải sống tại các khu vực có thể khan hiếm nước ít nhất 1 tháng trong 1 năm. Con số này thậm chí có thể tăng lên tới 5,7 tỷ người vào năm 2050.
Vì vậy, đây là thời điểm quan trọng mà mỗi quốc gia cần có những biện pháp quản lý sử dụng nước hiệu quả nhằm tránh nguy cơ phải đối mặt với những “ngày không nước.”
Hiện các quốc gia cũng đã có những biện pháp cụ thể để ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng từ một cuộc khủng hoảng nước toàn cầu. Tại Nam Phi, chính quyền Cape Town đã áp dụng biện pháp kêu gọi người dân sử dụng nước tiết kiệm.
Nhiều quốc gia cũng đề xuất những biện pháp quy hoạch đập chứa, nhiều dự án khoa học nhằm chuyển đổi nước mặn thành nước ngọt hay cả những dự án làm mưa nhân tạo đã được công bố.
Tuy nhiên, khi nguồn tài nguyên thiên nhiên bị ảnh hưởng, có lẽ các quốc gia nên hướng tới những cách tiếp cận mang đặc tính thiên nhiên để có được các biện pháp “chữa bệnh tận gốc.”
Các giải pháp xanh cũng là điều mà Liên hợp quốc khuyến khích hướng tới nhằm đảm bảo an ninh nước một cách hiệu quả. Những giải pháp này tôn trọng các yếu tố tự nhiên, khuyến khích những hệ thống trữ nước thân thiện với hệ sinh thái như tận dụng các đầm lầy tự nhiên, cải tạo vùng đất ẩm hay các biện pháp cải tạo tái bổ sung nguồn nước ngầm hiệu quả.
Những biện pháp này trên thực tế đã chứng minh hiệu quả nhưng lại chưa được các quốc gia quan tâm một cách hợp lý.
Thành phố New York đã từng triển khai việc bảo vệ các nguồn cung cấp nước cho thành phố từ những năm đầu tiên của thế kỷ 20 thông qua các chương trình bảo tồn rừng đầu nguồn và dùng các gói tài chính để khuyến khích người dân canh tác thân thiện với môi trường.
Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch thực hiện 16 dự án thí điểm trên toàn quốc để tái tạo 70% lượng nước mưa thông qua các biện pháp như cải tạo đất giúp tăng khả năng thẩm thấu và lưu giữ, lọc nước và tái tạo vùng đất ẩm.
Chuyên gia Colin Strong từ Viện Tài nguyên thế giới cho rằng nếu các thành phố không hành động, không có những kế hoạch quản lý sử dụng nguồn nước cụ thể thì sẽ còn nhiều Cape Town hơn nữa.
Vấn đề này không nên chỉ được nhìn nhận đơn thuần như một vấn đề về môi trường. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng kêu gọi các các cơ quan của Liên hợp quốc và từng quốc gia thành viên “nghiêm túc và đảm bảo” mọi đề xuất, mọi khuyến cáo về quản lý sử dụng nguồn nước được triển khai đầy đủ.
Ông nhấn mạnh nước là vấn đề sống còn và nên được coi là ưu tiên tự nhiên trong mọi chính sách, đồng thời khẳng định khủng hoảng nước toàn cầu là một vấn đề về quản lý.
Ông Michel Temer – Tổng thống Brazil, quốc gia có lượng dự trữ nước ngọt lớn nhất trên thế giới, từng cảnh báo “cuộc sống của con người sẽ bị đe dọa khi chúng ta không biết tôn trọng những giới hạn của thiên nhiên”