BVR&MT – Các nhà bảo tồn voi hy vọng rằng nhu cầu mua ngà voi tại Trung Quốc giảm dần khi chính phủ nước này thực hiện chính sách đóng cửa thị trường buôn bán ngà voi.
Theo một nghiên cứu mới đây, giá bán buôn ngà voi thô hợp pháp đã giảm gần 2/3 kể từ khi Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu và buôn bán ngà voi lớn nhất thế giới – tuyên bố các kế hoạch nhằm đóng cửa thị trường ngà voi trong nước. Các nhà nghiên cứu từ tổ chức bảo tồn đã khảo sát tại Bắc Kinh, Thượng Hải, và 6 thành phố khác chưa từng khảo sát trước đó, bao gồm Quảng Châu, Hàng Châu, Nam Kinh, Thẩm Dương, Tô Châu và Thiên Tân. Kết quả điều tra cho thấy ngành buôn bán ngà voi hợp phát đang chết dần.
Đầu năm 2014, giá bán buôn ngà voi trung bình khoảng 2.100 USD/kg. Cuối năm 2015, chỉ vài tháng sau khi Trung Quốc đốt nửa tấn ngà voi bị tịch thu và thông báo kế hoạch chấm dứt buôn bán trong nước, giá ngà voi đã giảm xuống còn 1.100 USD/kg. Tháng 2 năm 2017, giá tiếp tục giảm chỉ còn 730USD/kg.
Theo nhóm nghiên cứu, các cửa hàng bán lẻ đã đóng cửa hoặc cố gắng xả hàng tồn kho. Những cửa hàng buôn bán hợp pháp tích trữ các sản phẩm thủ công từ ngà voi lâu năm đang cố gắng bán với cùng mức giá để bù lại chi phí nhập ngà voi thô.
Giá ngà voi giảm một phần nhờ cam kết đóng cửa ngành thương mại ngà voi hợp pháp của chính phủ Trung Quốc. Tiến triển này được nhận định là cơ hội sống sót cho các loài voi. Theo khảo sát của tổ chức pan-Africa được công bố hồi cuối năm ngoái, số lượng loài voi đồng cỏ châu Phi đã giảm một phần ba, tương đương 144.000 con trong vòng 7 năm do nạn buôn bán ngà voi. Khảo sát số lượng voi rừng bởi nhóm chuyên gia nghiên cứu voi châu Phi của IUCN cũng tiết lộ xu hướng tương tự.
Các nhà máy xử lý ngà voi của Trung Quốc đã chính thức đóng cửa vào cuối tháng 3 vừa qua, và tất cả các cửa hàng bán lẻ sẽ đóng cửa vào cuối năm nay. Những chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân với sự tham gia của người nổi tiếng như Thành Long được tăng cường nhằm mục đích tuyên truyền cho người tiêu dùng ngà voi Trung Quốc về những ảnh hưởng tiêu cực đối với loài voi châu Phi.
Theo báo cáo, nguyên nhân chính dẫn đến trượt giá là do suy thoái kinh tế tại Trung Quốc. Dữ liệu kinh tế cuối năm ngoái cho thấy triển vọng phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khá u ám. Chỉ số tiêu dùng mặc dù đã cải thiện hơn so với năm ngoái nhưng vẫn chưa đạt tới kỳ vọng. Do đó, các mặt hàng đắt tiền như là ngà voi thô sẽ phải chịu ảnh hưởng.
Tuy nhiên, GS. Alejando Nadal (Trung tâm nghiên cứu kinh tế El Colegio de México) cảnh báo rằng biến số quyết định đối với vấn nạn săn trộm không phải là giá cả, mà là lợi nhuận. Ông tin rằng việc bán buôn ngà voi với giá thấp có thể đẩy lợi nhuận lên cao hơn tại điểm bán lẻ cuối cùng trong chuỗi kinh doanh. Vì vậy, mặc dù giá bán buôn sụt giảm, lợi nhuận bán lẻ ngà voi vẫn có thể tăng lên.
Các chuyên gia còn đặt ra nghi vấn về ảnh hưởng của tình trạng trượt giá ngà voi hợp pháp đối với giá ngà voi bất hợp pháp. Nghiên cứu cho thấy, ngược lại với những đại lý buôn bán hợp pháp, buôn bán ngà voi bất hợp pháp lại được hưởng lợi khi giá cả giảm mạnh. Các đối tượng chợ đen có thể mua ngà voi thô với giá thành thấp hơn và bán ra nhanh chóng với mức giá rẻ hơn so với các doanh nghiệp hợp pháp.
Dương Phương Thảo (Theo The Guardian)