BVR&MT – Hiện nay, tình trạng khai thác cát trái phép trên các dòng sông diễn biến phức tạp, gây mất an ninh – trật tự. Một số đoạn sông do các đối tượng khai thác cát trái phép đã sạt lở nghiêm trọng, khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị mất. Theo bạn đọc phản ánh, nguyên nhân của tình trạng này là do nhu cầu sử dụng cát xây dựng, san lấp công trình những tháng đầu năm 2019 tăng đột biến; việc kinh doanh cát mang lại lợi nhuận cao; cấp ủy, chính quyền một số địa phương buông lỏng quản lý…
Ngang nhiên khai thác trái phép
Trên sông Kinh Môn, đoạn qua xã Cộng Hòa (huyện Nam Sách, Hải Dương), Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hải Dương) vừa bắt giữ bốn tàu đang khai thác cát trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, các tàu BN-1458, BN-1138, BN-1383, BN-1397 có trọng tải từ 700 đến 900 tấn, đang hút cát từ lòng sông lên khoang chứa của tàu. Những người điều khiển các tàu nêu trên là Đặng Văn Cường (SN 1968, ở TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Đỗ Văn Biển (SN 1985, ở tỉnh Bắc Giang), Nguyễn Văn Huy (SN 1976, ở TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Nguyễn Văn Tuyên (SN 1989, ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang). Lực lượng chức năng đã yêu cầu những người điều khiển phương tiện dừng hoạt động, xuất trình các giấy tờ liên quan. Bước đầu, cả bốn người này đều thừa nhận hành vi khai thác cát trái phép. Vụ việc đã được bàn giao cho Công an huyện Nam Sách tiếp nhận và giải quyết theo quy định.
Vừa qua, các cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Bến Tre) phát hiện tàu sắt mang BKS: BTr 0159 (trọng tải 150 tấn) và chiếc ghe gỗ không có BKS (trọng tải 20 tấn) do Huỳnh Văn Sơn (trú xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, Bến Tre), Nguyễn Anh Quốc (trú xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) điều khiển, đang hút cát trái phép trên sông Hàm Luông, đoạn qua xã Tân Thành Bình. Qua quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện hai phương tiện nêu trên có chứa hơn 60 m3 cát. Trước đó, trên sông Tiền, đoạn qua xã Phú Túc (huyện Châu Thành, Bến Tre), lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh cũng tạm giữ ba tàu khai thác cát trái phép do Nguyễn Lâm Em, ở xã Tân Thành Bình; Trần Văn Hoàng, ở huyện Giồng Trôm và Nguyễn Thanh Liêm, ở tỉnh Tiền Giang, điều khiển. Các tàu đều có trọng tải từ 87 đến 121 tấn, hai trong số ba tàu không mang BKS. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện có hàng chục tấn cát vừa được khai thác trái phép.
Trao đổi với một số cán bộ thuộc các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, các chủ phương tiện thường thuê người điều khiển tàu khai thác cát hoạt động vào ban đêm; sử dụng tàu cuốc và vòi hút kéo trên bề mặt lòng sông để vừa hút, vừa di chuyển nhằm khéo léo ngụy trang. Đồng thời thường xuyên cử người cảnh giới, theo dõi mọi hoạt động của lực lượng chức năng để dễ bề đối phó khi bị phát hiện. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng còn liều lĩnh, sẵn sàng dùng hung khí, vòi nước công suất lớn để chống trả lực lượng chức năng… Ông Hoàng Trọng Niệm, ở phường Thủy Biều (TP Huế, Thừa Thiên – Huế), vừa bị các đối tượng khai thác cát trái phép chém vào đầu, gây thương tích 17% khi ông và một số người dân ra bờ sông Hương, đoạn qua phường Thủy Biều để nhắc nhở, xua đuổi tàu khai thác cát trái phép. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Huế đã điều tra, làm rõ các đối tượng đánh trọng thương ông Niệm là Hoàng Trọng Trị và Hoàng Trọng Đại, cùng ở phường Thủy Biều. Hiện hai đối tượng đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP Huế khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam…
Cần có giải pháp quyết liệt
Việc khai thác cát trái phép tại các dòng sông đã và đang gây sạt lở nhiều bờ sông, tuyến đê và nhà cửa; đời sống người dân và hệ sinh thái thủy sinh bị đảo lộn; mực nước các dòng sông bị hạ thấp khiến mực nước ngầm bị giảm, tiềm ẩn nguy cơ hạn hán,… Hậu quả việc khai thác cát trái phép gây ra rất nặng nề nhưng công tác phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng chức năng vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân do số cán bộ chuyên trách ít, địa bàn rộng, thời gian các đối tượng hoạt động chủ yếu vào ban đêm khiến các lực lượng chức năng khó giám sát, tiếp cận và xử lý. Ngoài ra, các quy định xử phạt về khai thác cát trái phép chưa cụ thể, rõ ràng; việc đầu tư nghiên cứu, áp dụng các vật liệu thay thế cát tự nhiên chưa được chú trọng; việc mua bán cát lậu mang lại lợi nhuận cao… Đây là những kẽ hở để các đối tượng lợi dụng lộng hành trong suốt thời gian qua.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát ở các địa phương. Tại cuộc họp, đồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao trách nhiệm và nhận thức của các cấp chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn khai thác cát, sỏi trái phép. Địa phương, lĩnh vực nào để xảy ra tình trạng khai thác hoặc lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép và thành lập bãi tập kết cát, sỏi trái phép… phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng mở đợt cao điểm tiến công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tại các địa phương và thành lập đoàn liên ngành kiểm tra một số địa phương thường xuyên để xảy ra tình trạng này.
Để ngăn chặn hiệu quả nạn khai thác cát trái phép, các ban, ngành chức năng cần tích cực đầu tư, nghiên cứu tận thu nguồn cát làm vật liệu xây dựng tại các khe, suối đổ vào các hồ thủy điện; sử dụng cát nghiền làm vật liệu thay thế cát xây dựng; thống kê các mỏ đá phù hợp để nghiền, xay thành cát nhân tạo. Tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các chủ phương tiện khai thác cát trái phép trên sông, nhất là ở những vị trí giáp ranh. Bổ sung các chế tài xử phạt theo hướng tăng nặng đối với các hành vi khai thác cát trái phép; gắn ca-mê-ra an ninh tại các khu vực có nguy cơ để lực lượng chức năng và người dân cùng giám sát; rà soát, kiểm tra các phương tiện có biểu hiện khai thác cát trái phép; kiên quyết tháo dỡ, tịch thu máy móc của chủ phương tiện sau khi bị xử phạt do khai thác cát lậu…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh vai trò giám sát của các tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại địa phương. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay cho các chủ phương tiện khai thác cát trái phép. Nhân rộng mô hình các tổ phòng, chống tội phạm trộm cắp, khai thác cát lậu tại các địa phương. Đối với các dòng sông có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng bờ do khai thác cát, các cơ quan chức năng cần sớm khảo sát, lập bản đồ những khu vực rủi ro cao để cảnh báo, ngăn chặn; đồng thời chủ động di dời người dân và tài sản ra khỏi nơi nguy hiểm… Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các đối tượng khai thác cát trái phép lộng hành, coi thường và thách thức pháp luật, gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về vấn đề này. Hiện đã có 48 địa phương ban hành quy chế phối hợp liên tỉnh chống khai thác cát sỏi trái phép… Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng nghị định về quản lý, khai thác cát sỏi, trình Chính phủ ban hành vào thời gian tới,…
…Thời gian tới, Bộ Công an sẽ chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố có ranh giới trên sông, tăng cường phối hợp tuần tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý chủ phương tiện hút cát trái phép trên sông để khắc phục tình trạng người vi phạm điều khiển phương tiện ra khỏi phạm vi ranh giới của địa phương đang có lực lượng chức năng xử lý, trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật… Trung tướng NGUYỄN VĂN SƠN Thứ trưởng Công an (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an) |