Năng lượng tái tạo – chìa khóa phát triển cho thị trường mới nổi tại châu Á

BVR&MT – Bất chấp các nhiễu loạn thị trường do Brexit, triển vọng tăng trưởng của các thị trường mới nổi tại châu Á (bao gồm Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ) vẫn tiếp tục mở rộng nhờ chú trọng tới các dự án năng lượng tái tạo.
Theo báo cáo “Tổng quan kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ” của Trung tâm Phát triển OECD tại Paris, tỷ lệ tăng trưởng GDP thực của các thị trường mới nổi tại châu Á dự kiến duy trì ở mức cao là 6,5 % trong năm 2016, và trung bình 6,2% trong giai đoạn 2017-2021.

Nguyên nhân của tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ này xuất phát từ xu hướng tiêu dùng hàng nội địa, được thúc đẩy nhờ phát triển các nguồn năng lượng thay thế. Trong số các quốc gia được nhắc tới trong báo cáo, Ấn Độ dự kiến sẽ đứng đầu danh sách các quốc gia tăng trưởng nhanh, trong khi Trung Quốc có khả năng tăng trưởng chậm lại. Nhìn chung, tỷ lệ tăng trưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được dự đoán đạt trung bình 4,8% trong năm 2016 và 5,1 % trong giai đoạn 2017-2021. Tỷ lệ tăng trưởng mạnh nhất dự kiến thuộc về các quốc gia Philippines, Việt Nam và nhóm CLM (Campuchia, Lào và Myanmar).

Ảnh: eq international
Báo cáo cũng đề cập, đồng hành cùng sự phát triển này là các hoạt động thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời và thủy điện. Ấn Độ và Trung Quốc đang dành các khoản đầu tư lớn nhất cho năng lượng tái tạo, trong khi Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Lào cũng thúc đẩy năng lượng tái tạo thông qua các khoản đầu tư lớn vào thủy điện.
Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia đã nhận được khoản đầu tư lớn nhất (khoảng 60%) từ “FDI xanh” (Greenfield FDI), trợ cấp cho các khoản đầu tư, công nghệ và chuyên môn về năng lượng tái tạo, từ đó tạo ra nhu cầu việc làm xanh. Theo báo cáo Tình hình Năng lượng tái tạo toàn cầu năm 2016, Trung Quốc, Brazil, Mỹ và Ấn Độ là quốc gia sản xuất hàng đầu trong năm 2015 nếu tính tất cả các công nghệ năng lượng tái tạo.
Báo cáo Tổng quan kinh tế khu vực Đông Nam Á cho rằng thách thức lớn nhất của khu vực là “thiết lập các điều kiện thích hợp cho sự phát triển của năng lượng tái tạo tại các quốc gia châu Á mới nổi và yêu cầu giải quyết những thách thức trong tiếp cận mạng lưới, các rào cản hành chính và cơ chế định giá năng lượng.”
Ông Mario Pezzini, Giám đốc Trung tâm Phát triển OECD kiêm Cố vấn đặc biệt cho Tổng thư ký OECD về các vấn đề phát triển khẳng định, tiềm năng năng lượng tái tạo to lớn của khu vực Châu Á mới nổi đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, đồng thời mang lại nhiều cơ hội tăng cường an ninh năng lượng, tạo việc làm và giảm ô nhiễm không khí.
Tuy nhiên, tình hình không phải toàn là một màu hồng. Cũng theo OECD, tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc cùng các hoạt động xuất khẩu có chiều hướng chậm lại trong 5 năm qua. Lãi xuất thấp do chậm tăng trưởng kinh tế càng ảnh hưởng xấu tới hệ thống ngân hàng khu vực. Mức độ sản xuất hiện đang chững lại và có thể được cải thiện nếu các doanh nghiệp sử dụng thêm công nghệ và áp dụng thêm các phương pháp cải thiện năng suất từ các doanh nghiệp ngoài khu vực. Báo cáo cũng khuyến nghị, “để tăng trưởng bền vững, các nhà hoạch định chính sách của nền kinh tế châu Á mới nổi cần kìm hãm xuất khẩu, đánh giá tác động của lãi xuất thấp đối với nền kinh tế tiên tiến, và ổn định năng suất tăng trưởng tại khu vực”.
Theo REN, một mạng lưới đa bên về chính sách năng lượng tái tạo toàn cầu, nguồn vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo đã gia tăng và đánh dấu mốc quan trọng vào năm 2015. Lần đầu tiên trong lịch sử, tổng vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo và nhiên liệu tại các nước đang phát triển vào năm 2015 đã vượt qua các quốc gia phát triển. Các quốc gia đang phát triển, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, cam kết tổng vốn đầu tư khoảng 156 tỷ USD (tăng 19% so với năm 2014). Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo, quyết định tăng 17% mức đầu tư lên tới 102,9 tỷ USD, chiếm khoảng 36% toàn thế giới. Đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng đã tăng đáng kể tại các quốc gia Ấn Độ, Nam Phi, Mexico và Chile.
Tại Ấn Độ, năng lượng mặt trời rẻ hơn than đá, nên nhiều công ty dịch vụ công cộng tại đây đang thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo thay cho các dự án điện thông thường. Theo tờ Cleantechnica, Tata Power – công ty sản xuất điện tư nhân lớn thứ 2 Ấn Độ – muốn mở rộng danh mục năng lượng tái tạo bằng cách mua lại 300 megawatts (MW) từ dự án năng lượng gió Tây Bắc Ấn Độ.
Theo Diễn đàn Đông Á, Việt Nam cũng là một quốc gia mới nổi đang xác định năng lượng tái tạo là nguồn lực lớn giúp mở rộng mạng lưới năng lượng về các vùng quê, tạo ra nhiều công ăn việc làm. Với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,8% giai đoạn 1990-2013, và dự kiến đạt mốc 7% giai đoạn 2016-2030, cùng xu hướng công nghiệp hóa, gia tăng dân số, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng của Việt Nam cũng tăng theo. Tỷ lệ tiêu thụ năng lượng trong tổng tiêu thụ hàng năm là 5,7% trong giai đoạn 1990-2012, cùng lúc đó tiêu thụ điện năng tăng lên khoảng 14% hàng năm.
Các dự án này là quan trọng đến mức năng lượng tái tạo, môi trường bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) coi là ba ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, cùng với chiến lược đối tác quốc gia của ADB giúp Việt Nam thúc đẩy việc làm và khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng phục vụ toàn dân của các cơ sở hạ tầng.
Đức Anh (Theo Ai-cio.com)
CHIA SẺ