Màu xanh trở lại nơi rốn lũ

BVR&MT – Những ngày cuối năm, trên những ruộng lúa, cánh đồng rau tại huyện Đại Lộc – vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Nam – đã bắt đầu phủ lên màu xanh non, tiếng nói cười vui tươi của người dân ra đồng thu hoạch vụ mùa cho phiên chợ Tết dường như đã xóa hết những dấu vết của cơn lũ vừa qua.

Những cánh đồng trắng xóa, trơ màu bùn vì lũ đang căng tràn một sức sống mới. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Chúng tôi trở lại Đại Lộc khi nắng ấm vừa kịp ùa về, xua tan đi giá buốt. Đã gần 3 tháng sau đợt lũ dữ, nhưng dấu tích vẫn còn in rõ trên đường đi, cành cây, rơm rạ và rác còn vương trên dây điện, trên ngọn cây cao. Con đường bê tông từ Đại Lãnh lên Đại Hưng, xuyên các thôn An Tân, Trúc Hà, Chấn Sơn đến Thái Sơn, Đại Mỹ, Thanh Đại… nhiều đoạn vẫn còn vương bùn đất.

Người dân nơi đây cho biết, đợt lũ năm nay tương đương với trận “đại hồng thủy” năm 1999. Nước lên quá nhanh. Bình thường, mưa khoảng 2-3 ngày thì lũ về, còn đợt này, vừa thấy ngấp nghé ngoài sông, xã đi thông báo cho bà con chuẩn bị, loáng cái đã thấy ngập đường và chừng hơn tiếng sau đã lên cả mét. Cũng may dân mình năm nào cũng chịu cảnh mưa, bão nên không ai chủ quan.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch huyện Đại Lộc, Quảng Nam cho biết: Đợt mưa lũ vừa qua, các thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn như: Sông Tranh, Sông Bung 4, Đắk Mi 4 đồng loạt xả lũ làm cho mực nước sông Vu Gia tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc vượt báo động 3 hơn 1 mét, sông Thu Bồn tại Giao Thủy trên báo động 3 là 0,7 mét, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản đối cho địa phương.

Mùa lũ năm nay tại Đại Lộc đã làm 3 người thiệt mạng, 69 người bị thương, 26.500 ngôi nhà bị ngập lụt, trong đó 14.296 nhà ngập dưới 1 mét; 12.251 nhà ngập trên 1 mét, có nhiều ngôi nhà người dân bị ngập trên 2 mét; hàng trăm ha lúa, hoa màu bị hư hỏng; thiệt hại ước tính 2.435 tỷ đồng.

Huyện Đại Lộc, Quảng Nam là vùng đất trũng, hầu như năm nào cũng chịu thiệt hại nặng nề bởi những cơn lũ. Đặc biệt năm nay lũ quá lớn, lũ chồng lũ nên sản xuất vào vụ của bà con nông dân gặp khó khăn. Thế nhưng, cũng từ nơi rốn lũ ấy, bằng ý chí kiên cường, đến bây giờ người dân đã vượt qua khó khăn, ổn định lại đời sống, sản xuất.

“Ngay sau khi nước lũ rút, ngoài sự giúp đỡ của Trung ương và các tổ chức cá nhân khắp mọi miền Tổ quốc, các lực lượng đoàn viên, thanh niên, bộ đội địa phương đã chung sức cùng người dân vùng lũ, giúp bà con khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, nhanh chóng trở lại sản xuất”, ông Mẫn cho biết.

Thửa ruộng thôn Bàu Tròn, xã Đại An ngan ngát màu xanh. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Dứt lũ là người dân ra đồng

Đến thăm những cánh đồng, vựa rau, trò chuyện với bà con nông dân, chúng tôi cảm nhận được sự lạc quan, ý chí vươn lên của con người lam lũ nơi dải đất miền Trung này.

Trên thửa ruộng thôn Bàu Tròn, xã Đại An ngan ngát màu xanh của rau, hoa, người dân đang hăng say ra đồng chăm bón vườn rau để cung cấp cho thị trường trong dịp Tết…

Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên vì lũ chỉ vừa mới qua vài tháng mà cây đã lên xanh, giàn mướp, vạt cải trổ bông vàng rực, ông Phan Văn Đùng, người dân làng rau Bầu Tròn tươi cười cho biết: Bà con nơi đây quen rồi, ngay sau khi nước lũ rút, dọn dẹp nhà cửa là chúng tôi lại nhanh chóng ra đồng thu dọn dẹp, sửa sang lại những gì đã mất và triển khai mùa vụ mới.

Đang thu hoạch lứa đậu cô-ve đầu mùa, bác Đặng Văn Lâm, thôn Bàu Tròn, vừa thoăn thoắt hái đậu vừa trò chuyện với chúng tôi: Lũ rút là bà con chủ động dựng lại nhà cửa, chặt dọn cây cối, xúc đất, bùn trên đường làng, ngõ xóm. Nhà thiệt hại ít giúp nhà thiệt hại nhiều, xóm trên xong thì giúp xóm dưới. Những nơi bị thiệt hại nặng thì được chính quyền huy động bộ đội, công an, dân quân tự vệ, thanh niên về giúp bà con. Xong việc trong nhà thì ra đồng chuẩn bị cho một mùa vụ mới.

Không chỉ riêng Đại Lộc, cuối năm vừa qua, cả dải đất dài miền Trung phải gánh mưa lũ lịch sử. Lũ cuốn sạch, cuốn luôn nước mắt, mồ hôi người dân. Thế nhưng, chỉ hơn hai tháng, những vùng “rốn lũ” như Hòa Vang (Đà Nẵng), Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), Tuy Phước, An Nhơn (Bình Định)… đã được hồi sinh. Những cánh đồng trắng xóa, trơ màu bùn vì lũ đã phủ kín màu xanh của mạ non.

Ngay trên vùng đất chỉ vài tháng trước là vùng rốn lũ trắng trời nước bạc thì màu xanh đã bắt đầu trở lại. Trên những khung dưa chuột, giàn mướp còn lại sau lũ, người dân đã ươm trồng cây non mới ra hoa vàng tươi tốt.

Ngày cận Tết, khi những cánh mai vàng nở sớm đã bắt đầu khoe sắc, người dân miền Trung vẫn miệt mài bên luống rau, ruộng lúa đang phủ xanh bờ bãi. Vượt lên khó khăn, mất mát bởi thiên tai, khắp dải đất miền Trung đang căng tràn một sức sống mới. Mầm sống hồi sinh đang trải dài trên vùng rốn lũ, niềm vui no đủ của người dân ngày càng gần hơn khi mùa vụ mới đã được bắt đầu.