Lương Sơn – Hòa Bình: Đẩy mạnh phát triển thương hiệu rau hữu cơ

BVR&MT – Sản xuất rau hữu cơ vừa tăng thu nhập vừa bảo vệ môi trường, an toàn cho người tiêu dùng… Đó là lý do mà bà con nông dân thôn Đồng Sương, xã Thành Lập (Lương Sơn – Hòa Bình) đang nhân rộng mô hình sản xuất này.

Mô hình sản xuất rau hữu cơ tại thôn Đồng Sương, xã Thành Lập (Lương Sơn – Hòa Bình).

Hoạt động bên lề Diễn đàn Tài nguyên Mê Kông III diễn ra trong 2 ngày 15 – 16/6/2017 tại tỉnh Hòa Bình. Diễn đàn do tổ chức Trung tâm con người và Thiên nhiên (Pannature), ADDA, Trung tâm Nông lâm thế giới (ICRAF) và Hội Phát triển Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia (VILACAED) phối hợp tổ chức. Diễn đàn Tài nguyên Mê Kông lần thứ III với mong muốn kết nối các ý tưởng và nỗ lực của cộng đồng cùng các tổ chức xã hội trong khu vực hạ Mê Kông nhằm thúc đẩy sự thích nghi của ngành nông nghiệp và lâm nghiệp, cũng như giảm thiểu các tác động bất lợi từ các dự án tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái.

Trong chuỗi các hoạt động bên lề của diễn đàn lần này, vào sáng ngày 16/6/2017 các đại biểu tham dự hội nghị đã có chuyến tham quan mô hình sản xuất rau hữu cơ tại thôn Đồng Sương, xã Thành Lập (Lương Sơn – Hòa Bình).

Mô hình sản xuất rau hữu cơ không chỉ khai thác, tận dụng được những tiềm năng sẵn có, việc đẩy mạnh sản xuất nông sản hữu cơ còn có ý nghĩa lớn trong nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm.

Người tiêu dùng đang dần có xu hướng nghiêng về lựa chọn các sản phẩm rau hữu cơ.

Là một trong những người có nhiều năm đồng hành cùng hoạt động sản xuất nông sản hữu cơ, chị Phùng Thị Lan – Chủ tịch Hội nông dân, Trưởng liên nhóm sản xuất hữu cơ huyện Lương Sơn nhớ lại: Bắt đầu manh nha mô hình từ năm 2008, mô hình trồng rau hữu cơ lúc đó gặp phải không ít khó khăn do trình độ người sản xuất, kỹ thuật canh tác, thị trường tiêu thụ… Song với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của các hộ tham gia, sự hỗ trợ của dự án ADDA (Đan Mạch) và Trường  cao đẳng Nông nghiệp và nông thôn Bắc Bộ, mọi người đã vượt qua khó khăn trên cơ sở thực hiện kết hợp chặt chẽ “ 4 nhà’’ gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông dân và nhà doanh nghiệp.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên quá trình sản xuất, các hộ tham gia mô hình đã tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật. Giai đoạn đầu, việc sản xuất nông sản hữu cơ chủ yếu tập trung vào trồng rau hữ cơ với hơn 20 loại rau được trồng theo hình thức luân canh và xen canh, nên bảo đảm nhu cầu phong phú của người tiêu dùng. Rau giống do Trung tâm giống cây trồng của tỉnh Hòa Bình trực tiếp cung cấp.

Phần lớn sản lượng rau hữu cơ của các xã, thị trấn huyện Lương Sơn đều được xuất bán cho các cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội.

Theo đó, trước khi thực hiện mô hình người dân được Hội Nông dân và Trung tâm dạy nghề tổ chức huấn luyện trong thời gian 3 tháng về trồng, chăm sóc theo phương pháp hữu cơ; chăn nuôi “sạch’’. Kết thúc khóa học các thành viên được cấp chứng chỉ và chỉ những ai có chứng chỉ mới đủ điều kiện tham gia mô hình. Người sản xuất cam kết tuyệt đối không sử dụng phân hóa học mà chỉ sử dụng phân hữu cơ (phân chuồng ủ hoai mục từ 3 – 6 tháng). Đồng thời để đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, người trồng rau hữu cơ ở Lương Sơn cũng không dùng thuốc bảo vệ thưc vật mà chỉ dùng thuốc thảo dược tự chế bao gồm: Tỏi, ớt, gừng, rượu ngâm từ 5 – 7 ngày sau đó mang phun trên rau. Ngoài ra, trên lối đi trồng các loại cây dẫn dụ (chủ yếu là các loại hoa như: Cúc vạn thọ, hoa bóng nước…) để thu hút các loại ‘’thiên địch’’ như: Bướm, sâu…, hạn chế côn trùng phá hoại rau.

Các hộ tham gia mô hình cũng đặc biệt chú ý đến nguồn nước tưới được sử dụng là là nước giếng khoan hoặc nước dẫn từ suối về. Do đó, sản phẩm rau hữu cơ của các hộ gia đình trên địa bàn xã Thành Lập nói riêng và địa bàn huyện Lương Sơn nói chung luôn đảm bảo tốt các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Sau gần 10 năm phát triển, đến nay, toàn huyện Lương Sơn đẫ thành lập được gần 20 nhóm sản xuất rau hữu cơ với trên 150 thành viên tham gia. Tổng diện tích sản xuất thường xuyên đạt trên 10,5 ha. Trong đó diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất rau hữu cơ an toàn (PGS) là khoảng 8 ha. Ngoài một tỷ lệ nhỏ tiêu thụ tại địa phương, phần lớn sản lượng rau hữu cơ của các xã, thị trấn huyện Lương Sơn đều được xuất bán cho các cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội thông qua 3 đầu mối chính là: Công ty VinaGap, Công ty Tràng An và Công ty Tâm Đạt.

Trong năm 2015, các nhóm sản xuất nông nghiệp hữu cơ huyện Lương Sơn đã sản xuất và cung ứng cho thị trường 84 tấn sản phẩm rau hữu cơ, 11 tấn gà sạch các loại. Trong 9 tháng 2016, tổng khối lượng nông sản hữu cơ do liên nhóm sản xuất hữu cơ huyện Lương Sơn cung cấp cho thị trường đã lên tới trên 100 tấn. Không chỉ giúp người nông dân có thu nhập từ 3,5 – 4 triệu đông/người/tháng, mô hình sản xuất hữu cơ còn có ý nghĩa lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cung cấp cho người tiêu dùng những mặt hàng nông sản an toàn, chất lượng bảo đảm.

Trong thời gian tới, cơ quan chức năng, trực tiếp là Hội Nông dân và Phòng NN&PTNT huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, trang bị tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho nông dân; tạo điều kiện thuận lợi để người sản xuất mở rộng diện tích rau hữu cơ; tiếp tục quản lý và thực hiện tốt quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ vững và phát triển thương hiệu nông sản hữu cơ Lương Sơn (Hòa Bình).

Bài, ảnh: Xuân Tá