Long An thực hiện nghiêm việc phát hiện, ngăn chặn mua bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam

BVR&MT – Long An có đường biên giới giáp Campuchia dài gần 135km, với nhiều đường mòn, lối mở qua lại. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Biên phòng, Công an khu vực biên giới đã phát hiện, bắt giữ, tiêu hủy 68 con lợn và 26 con bò nhập lậu, xử phạt vi phạm hành chính 4 đối tượng với số tiền 27 triệu đồng, đồng thời khởi tố 3 bị can.

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An kiểm tra đường mòn, lối mở qua lại khu vực biên giới tỉnh Long An.

Thực hiện nghiêm Công điện 694, ngày 1/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An đã tiến hành hành kiểm tra các đường mòn, lối mở, việc mua bán, vận chuyển lợn khu vực biên giới và triển khai cấp bách nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống buôn lậu lợn qua biên giới.

Qua kiểm tra thực tế tại các địa phương trên tuyến biên giới, việc lợn nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam diễn ra qua đường mòn, lối mở có địa hình rất phức tạp, diễn ra vào ban đêm, với số lượng nhỏ lẻ cho nên các lực lượng chức năng gặp nhiều khó trong công việc kiểm soát và xử lý.

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An trao đổi với lực lượng bảo vệ biên giới phía Campuchia.

Đối với công tác quản lý các cơ sở thu gom, theo quy định: Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện thực kiểm soát nơi đến trên cơ sở việc đăng ký nhập, xem xét, đối chiếu xác định số lượng và nguồn gốc lợn đầu vào từ hồ sơ do chủ hàng cung cấp.

Trường hợp từ ngoài tỉnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh do nơi xuất phát cấp. Trong quá trình tồn trữ, xuất bán do cơ sở tự kê khai, ghi chép sổ sách nên rất khó phát hiện các trường hợp trà trộn, gian lận tại cơ sở.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển lợn tiêu thụ trong địa bàn nội tỉnh theo quy định hiện nay là không cần phải khai báo và thực hiện kiểm dịch. Đây cũng là kẽ hở cho thương lái lợi dụng để vận chuyển, thẩm lậu lợn vào sâu trong địa bàn nội tỉnh.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An Phạm Đức Chinh cho biết, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống gia súc qua biên giới trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An chỉ đạo các ngành chức năng thống kê lại tất cả các đàn gia súc, các điểm thu gom và quản lý chặt trên tuyến biên giới.

Các ngành chức năng tập trung tuyên truyền, cho người dân trên tuyến biên giới ký cam kết không mua bán lợn nhập lậu. Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới để bảo đảm an ninh tuyến biên giới cho bà con phát triển kinh tế.

Trung tá Nguyễn Văn Hội, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Trăng (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) cho biết, thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính Phủ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Trăng đã phối hợp Công an, Quân sự, chính quyền địa phương từ xã đến các ấp, phối hợp lực lượng thú y tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân sống dọc tuyến biên giới không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.

Đồn Biên phòng cử cán bộ đến từng hộ dân, cho bà con viết cam kết không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu. Đẩy mạnh công tác tuần tra, mật phục, ngăn chặn trên tuyến biên giới để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thành lập chuyên án điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm qua biên giới trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo thành lập đoàn thanh, kiểm tra đột xuất với các thành phần gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường, Sở Công thương, Biên phòng, Cục Hải quan, Công an tỉnh để kịp thời ngăn chặn, xử lý việc tiếp tay cho vận chuyển, buôn bán, giết mổ, hợp thức hóa nguồn gốc, làm giả, làm trái quy định pháp luật trong công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

NGUỒNnhandan.vn
Tags:
CHIA SẺ