BVR&MT – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, để tăng tính cạnh tranh, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người nông dân, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh tiếp tục phát triển chương trình vùng trồng lúa chất lượng cao, phấn đấu nâng tỷ lệ lúa chất lượng cao lên mức 70 – 75%; sản lượng lúa bình quân đạt từ 2,5 triệu tấn/năm trở lên.
Nhằm đạt mục tiêu nêu trên, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về nông nghiệp chất lượng cao, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng nông sản; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp như: trạm bơm điện, trạm biến áp, kênh, mương nội đồng, cống giữ ngọt ngăn mặn… Tỉnh tăng cường nghiên cứu và bố trí lịch thời vụ hợp lý cho từng địa phương, phân tích cụ thể về cơ cấu giống; tập huấn phương pháp canh tác, chuyển giao khoa học – kỹ thuật đến từng hộ nông dân. Đồng thời, tập trung thực hiện hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng trồng lúa ứng dụng công nghệ cao từ 20.000 ha lên 60.000 ha đến năm 2025.
Vùng sản xuất lúa chất lượng cao được tỉnh Long An quy hoạch từ năm 2013, với diện tích hơn 48.000 ha tại 25 xã thuộc vùng Đồng Tháp Mười. Mục tiêu nhằm tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến gạo xuất khẩu; phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân. Tại vùng quy hoạch trồng lúa chất lượng cao, nông dân sản xuất lúa phải thực hiện gieo sạ bằng các loại giống xác nhận chất lượng cao, áp dụng các quy trình thống nhất “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”… bảo đảm 100% sản lượng lúa thu hoạch đạt chất lượng cao theo yêu cầu.
Năm 2020, sản lượng lúa của Long An ước đạt khoảng 2,8 triệu tấn; trong đó lúa chất lượng cao đạt hơn 1,4 triệu tấn. Các loại giống lúa chất lượng cao chủ yếu được nông dân sử dụng gieo sạ như: nếp IR 4625, đài thơm 8, OM 4900, nàng hoa 9, ST24, ST25…