BVR&MT – Sau 2 năm thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay tỉnh Long An đã xây dựng được 45 mô hình sản xuất lúa theo mô hình trên với diện tích 2.844ha, cùng với đó là nhiều loại rau màu, cây ăn quả khác…
Tham gia mô hình trên, người nông dân tiết kiệm chi phí từ 1,5-2 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình 2-3 triệu đồng/ha/vụ. Riêng vụ đông xuân 2017-2018, có 23 mô hình với diện tích 1.193ha gieo sạ theo lịch thời vụ, lợi nhuận cao hơn bên ngoài từ 5 đến 10 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, Long An còn triển khai ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau và trồng thanh long, theo đó, đối với rau ứng dụng công nghệ cao, toàn tỉnh đã xây dựng được 14 mô hình với diện tích 632ha. Việc trồng rau ứng dụng công nghệ cao đã giúp người nông dân giảm lượng phân bón vô cơ từ 100 đến 400kg/ha so với trước, năng suất tăng từ 5 đến 20%, rau ít sâu, bệnh, đạt chất lượng, lợi nhuận tăng từ 2 đến 7 triệu đồng/0,1ha so với ngoài mô hình.
Cùng với đó, vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao cũng được mở rộng. Mô hình tưới tiết kiệm giúp người trồng thanh long tiết kiệm 80% công lao động, tiết kiệm điện, nước. Tỉnh Long An đã hỗ trợ nông dân thực hiện 14 mô hình thanh long ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 300ha. Nông dân tham gia mô hình, lợi nhuận tăng từ 2,5-5 triệu đồng/ha/vụ.
Được biết, tỉnh Long An phấn đấu cuối năm 2018 có 7.500ha sản xuất lúa, 1.000ha sản xuất rau, 1.200ha sản xuất thanh long và 6 mô hình chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tập trung xây dựng 13 hợp tác xã điểm sản xuất ứng dụng công nghệ cao để tuyên truyền, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho người dân trong vùng dự án và xây dựng 1 mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất rau.
Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Phạm Văn Rạnh, Bí thư Tỉnh ủy, tỉnh đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục liên kết với doanh nghiệp và nhà khoa học hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn người dân, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường tuyên truyền, vận động, giám sát đến từng thành viên tham gia chương trình, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, tiêu thụ sản phẩm. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã. Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước cần huy động các ngân hàng thương mại tổ chức kết nối các công ty, hợp tác xã để tăng cường hỗ trợ vốn, đáp ứng nhu cầu sản xuất.