BVR&MT – Hành trình hơn 2.000 cây số qua các tỉnh Hủa Phăn, U Đom Say, Luang Pra Băng, Phông Sa Lỳ, Luâng Nậm Thà, Xiêng Khoảng, Bò Kẹo của Lào đã giúp phóng viên Bảo vệ rừng và Môi trường ghi lại được những hình ảnh đầy chân thực, xót xa về tình trạng buôn bán thú rừng vô tội vạ tại mảnh đất vốn dĩ hiền hòa.
Kỳ 1: Lần theo đường dây cao hổ cốt từ kho đầu lâu, sừng cảnh “khủng” nhất Hà Nội
Kỳ 2: Thâm nhập “lò luyện” cao hổ cốt
Kỳ 3: Ghé hang ổ chuyên “tửu táng” chúa sơn lâm
Kỳ 4: Hành trình vận chuyển “ông ba mươi” từ Lào về Việt Nam qua lời kể của trùm cao hổ
Xuất phát từ Hà Nội qua cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cách biên giới Việt Nam hơn 100 km, điểm đầu tiên mà nhóm phóng viên đặt chân là vùng đất Sầm Nưa. Tại đây, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh người dân Lào vô tư buôn bán các loài thú rừng như hươu, nai, hoẵng, don, nhím, cầy, gà lôi… ngay tại các chợ trung tâm tỉnh, thậm chí chào hàng tại ven đường quốc lộ. Thú rừng được bày bán như lợn, gà, rau cỏ, bất cứ ai cũng có thể mua với số lượng bất kỳ.
Trước khi sang Lào, chúng tôi đã nhờ một số đầu mối quan trọng trong các kỳ trước liên hệ với một người tên Q. ở huyện Mộc Châu. Khi có mặt tại nhà Q., do đã được giới thiệu trước, Q. kể vanh vách về những chuyến hàng đông lạnh được chở từ Lào về Việt Nam rồi cách lách luật khi đi qua cửa khẩu ra sao, gặp cơ quan chức năng thì cần ứng phó như thế nào… Qua một vài câu chuyện “làm quà”, Q. đã đồng ý tháp tùng chúng tôi sang tận Lào và ngay lập tức bắt máy gọi điện cho các đầu mối bên kia biên giới chuẩn bị hàng để khách lựa.
Vốn qua lại biên giới hơn cả đi chợ nên đoàn “con buôn” do Q. dẫn đầu nhanh chóng được thông quan. Q. di chuyển giữa hai nước nhiều đến nỗi một, hai năm lại phải thay hộ chiếu một lần vì không còn chỗ để đóng dấu, thậm chí bố, mẹ, vợ, con của Q. cũng được các chiến sỹ biên phòng đọc vanh vách. Dọc đường, Q. liên tục gọi điện kiểm tra các mối hàng. “Hiện bên đó còn rất nhiều hoẵng, don, cầy…, muốn bao nhiêu cũng có, nếu cần số lượng nhiều chỉ cần alo trước vài hôm… Mấy năm trước, thú rừng bên Lào nhiều vô kể, có hẳn chợ ven đường bày bán la liệt nhưng mấy năm gần đây do bên Lào cũng cấm nên các chủ hàng lui về hoạt động bí mật hơn. Giờ muốn mua hàng phải vào trong các chợ trung tâm mới có, chỉ cần dò hỏi là họ lôi từ dưới gầm bán thịt lên cho xem ngay” – Q. mách nước.
Quả đúng vậy, mặc dù đến chợ Sầm Nưa lúc đã nhá nhem, sẩm tối, chợ cũng đã thưa người hơn nhưng chỉ sau vài câu chào hỏi bằng tiếng Lào, người bán hàng đã lấy ngay trong túi ra hai chiếc đùi hoẵng đặt lên bàn cân với lời quảng cáo: “Đây là thịt hoẵng vừa mới bắn được trong rừng, giá 60.000 kíp/kg (tương đương 150.000đ/kg). Nếu muốn mua thịt khác thì mai đến”.
Giữ lời với bà chủ hàng, 6h sáng hôm sau, nhóm đã có mặt. Chợ buổi sáng đông hơn hẳn, những phản thịt tấp nập người mua, từ đầu nai, đùi hoẵng, don, dúi, chuột, sóc, chim…, thôi thì đủ cả. Trước ống kính, hình ảnh những con thú nằm co quắp, trụi lông, mắt trợn, răng nhe như oán hận, tố cáo sự bạc ác của con người.
Rời Sầm Nưa, nhóm tiếp tục di chuyển đến huyện Phon Sa Vẳn thuộc tỉnh Xiêng Khoảng. Ngay khi phát hiện khách xem hàng là người Việt, chủ sạp thịt tại cổng chợ vồn vã bắt chuyện và chào mời thịt thú rừng đang bày la liệt: “Hầu hết người Việt vào chợ này là mua thịt thú rừng, những ngày này gần Tết của người Việt nên đoán chắc là các anh vào đây mua thịt rừng về ăn Tết”. Đi sâu vào trong chợ, nhóm chứng kiến hàng loạt lồng sắt nhốt đầy dúi, thậm chí thú rừng ở đây được chở bằng cả ô tô đến bán. Hỏi han một vài chủ hàng khác, họ sẵn sàng lôi hoẵng, cầy nguyên con còn tươi và cả tải don, nhím, gà lôi trắng cho khách xem. Cũng tại khu chợ này, chim én và các loài chim màu sắc xanh, đỏ, vàng cũng chịu chung số phận, nhiều phụ nữ còn thản nhiên vặt lông chim giữa chợ và bán từng xô, chậu một. Tuy nhiên, khi nhóm thử tác nghiệp thì các chủ hàng đều phản ứng và chuyển thái độ theo kiểu rất đề phòng: “không bán nữa dù có trả giá cao”.
Cuộc hành trình càng lúc càng nặng nề, theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng bởi tới đâu, hình ảnh thú rừng cũng hiện lên đầy ám ảnh. Di chuyển tới Luông Pha Bang rồi qua U Đom Say đến tỉnh Bò Kẹo và dừng chân ở Tam Giác Vàng (nơi tiếp giáp giữa ba nước Thái Lan – Lào – Myanma), nơi đâu cũng nhan nhản thịt thú rừng, đặc biệt là tại khu Tam Giác Vàng, nơi được coi là “đại bản doanh” nuôi nhốt hổ ở Lào.
Tại đây có một khu nuôi nhốt hơn 20 con hổ, 28 cá thể gấu và nhiều động vật quý hiếm khác như chim công, khỉ, hoẵng…, khách du lịch vào xem miễn phí. Do khu vực này được người Trung Quốc thuê đất và đầu tư kinh tế nên hầu hết các nhà hàng của người Trung Quốc ở đây đều có bán thịt rùa, rắn và một số động vật khác mà họ giới thiệu là động vật rừng tự nhiên, thậm chí cả thịt hổ.
Tạm rời các “thủ phủ” động vật hoang dã ở Lào, chúng tôi trở về Việt Nam qua cửa khẩu Tây Trang, tỉnh Điện Biên nhưng trước đó nhóm có đi qua một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Phông Sa Lì của Lào. Tại đây, khi dừng chân ở quán ven đường và vờ hỏi thịt thú rừng, ngay lập tức người chủ cửa hàng mở hai tủ đông lạnh bên trong chứa hàng tạ thịt, trong đó có hoẵng nguyên con còn lông và hươu thì đã bị xẻ thịt, lột da và đóng đá, tất cả đều do người dân bản địa đi săn rồi đem bán.
Do biết khách từ Việt Nam sang nên chủ cửa hàng vồn vã: “Gần Tết, người Việt đi làm ở Lào về quê ăn Tết nhiều, họ thường ghé mua thú rừng nhiều lắm, chủ yếu họ ăn thịt, còn xương và chân các con này tôi bán cho người Trung Quốc để nấu cao”. Vừa nói, chủ cửa hàng vừa lấy trong tủ ra cặp chân hươu, chân hoẵng còn gỉ máu, thậm chí mời khách mua cả… tim hươu.
Chỉ bằng một vài nghiệp vụ điều tra đơn giản và cách dò hỏi thông tin thông thường, chúng tôi đã tiếp cận được rất nhiều tụ điểm buôn bán động vật hoang dã, cả ở Việt Nam và Lào. Điều đáng buồn là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng dường như vẫn còn khá khiêm tốn so với sự gia tăng mạnh mẽ của loại hình tội phạm đa dạng và phức tạp này.
Kỳ 6: Xử lý tội phạm động vật hoang dã: Luật đã gỡ nhưng thực thi còn bí
Văn Hoàng