BVR&MT – Cùng với không khí mát mẻ, cảnh quan nguyên sơ, Khu DTTN Thần Sa – Phượng Hoàng hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo khi được khám phá cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cũng như hòa mình vào không gian mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, H’Mông đã cư trú ở đây tự bao đời.
Bên cạnh những tài nguyên văn hóa vật thể, khu DTTN còn có nguồn tài nguyên văn hóa phi vật thể giàu tiềm năng là các lễ hội văn hóa, tâm linh gắn liền với cuộc sống, văn hóa của đồng bào các dân tộc tại các xã vùng đệm như: làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Tày (hát then, si, hát lượn), múa, hát giao duyên, cầu mùa của người Dao, múa khèn của người Mông…, những món ẩm thực của dân tộc như các loại bánh (bánh chưng đen, bánh cóoc mò, bánh trứng kiến, bánh lá ngải), rượu men lá, lạp sườn, xôi ngũ sắc, mỳ gạo Tiền Phong… sản phẩm từ thiên nhiên là rau ngót rừng, rau bò khai, Ốc hang…đã tạo nên những nét văn hóa riêng đặc sắc của nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai.
Hiện nay, vùng đệm khu DTTN Thần Sa – Phượng Hoàng đã có nhiều địa điểm được đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình phục vụ các hoạt động du lịch như: Khu sinh thái Phượng Hoàng nằm liền kề phía bên ngoài di tích hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà, nơi đây đã được đầu tư xây dựng cung cấp các dịch vụ như: Nhà hàng, khu bể bơi, nhà nghỉ lưu trú, dịch vụ massage vật lý trị liệu, tắm nước là người Dao, hội trường tổ chức sự kiện, khu bán hàng lưu niệm,…
Bản truyền thống dân tộc Tày xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng: Dự án bảo tồn bản truyền thống dân tộc tày xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, được khởi công từ đầu năm 2020, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Dự án nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị không gian văn hóa dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng. Lợi thế của dự án này là được thực hiện ở vị trí gần khu du lịch sinh thái hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà, gần đó còn có vườn ổi, vườn nhãn, vườn na, vườn quýt của các hộ dân xóm Phượng Hoàng, xóm Mỏ Gà.
Như vậy, nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng, bao gồm tài nguyên du lịch văn hoá vật thể và tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể là điều kiện rất thuận lợi để phát triển hoạt động du lịch văn hóa – lịch sử – tâm linh ở các xã vùng đệm cũng như kết nối với các hoạt động du lịch tại khu DTTN. Theo đó, trong thời gian tới, việc lồng ghép hoạt động tham quan, tìm hiểu các di tích, đình, đền, các lễ hội trên địa bàn huyện Võ Nhai vào các tuyến du lịch trong khu DTTN, đặc biệt vào những dịp lễ hội sẽ góp phần mang lại những trải nghiệm trọn vẹn cho khách du lịch về cả văn hóa và sinh thái, từ đây kéo dài thời gian trải nghiệm của du khách và gia tăng nguồn thu cho cộng đồng.
Trước những tiềm năng đầy triển vọng trên, ngày 31/12/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 3447/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng, giai đoạn 2022-2030 nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh khu vực này. Đề án được phê duyệt trên cơ sở các văn bản quy định của pháp luật, khảo sát kỹ thực tế, lấy ý kiến các cấp, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương. Phạm vi và quy mô của Đề án được triển khai trên diện tích hơn 2 nghìn ha do Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên quản lý tại thị trấn Đình Cả và xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai. Đề án do Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện.
Phó Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Tuyên cho biết: Việc triển khai đề án này sẽ góp phần tích cực bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển du lịch tại Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Hậu Thạch