Khai thác và quản lý lâm sản: “Cần tăng cường tính công khai, minh bạch”

BVR&MT – Đó là một trong những ý kiến tiêu biểu được đưa ra tại “Hội thảo về dự thảo Thông tư quy định khai thác và quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản” do Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 30/7 tại nhà khách Quốc hội 27A Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo.

Chủ trì hội thảo có ông Lê Công Lương, đại diện VUSTA và bà Nguyễn Kim Ngân, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững, cùng sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Kim Ngân, Giám đốc Trung tâm phát triển Nông thôn Bền vững cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm thu nhận những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các tổ chức xã hội, cơ quan kiểm lâm địa phương, cơ sở khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến gỗ về việc xây dựng Thông tư quy định hồ sơ khai thác và quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản được xây dựng có tính khả thi, quản lý, truy xuất được nguồn gốc lâm sản và giảm thủ tục hành chính. Sau hội thảo này những kiến góp ý thống nhất sẽ được chỉnh sửa, bổ sung và chính thức gửi tới Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Bà Nguyễn Kim Ngân, Trung tâm phát triển Nông thôn Bền vững phát biểu ý kiến tại Hội thảo.

Đối với xây dựng dự thảo Thông tư, ông Tăng Xuân Phương – Đại diện Cục Kiểm lâm cho rằng cần tiếp cận theo 4 mục tiêu sau: Thứ nhất, cần tiếp cận theo xu hướng Hội nhập quốc tế; Thứ hai, là trong xu thế phát triển kinh tế hiện nay cần giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính, công khai minh bạch, tạo điều kiện thông thoáng cho chủ rừng, chủ lâm sản trong quá trình kinh doanh, vận chuyển sản xuất lâm sản; Thứ ba, cần nâng cao trách nhiệm của chủ lâm sản trong việc kê khai lâm sản trong quá trình khai thác, mua bán lâm sản; Thứ tư, cơ quan quản lý nhà nước tiến hành truy xuất nguồn gốc gỗ và kiểm tra theo chương trình, kế hoạch hoặc kiểm tra đột xuất khi phát hiện chủ lâm sản có vi phạm.

Ông Lê Khắc Côi, Hội chủ rừng Việt Nam đưa ra quan điểm của mình tại Hội thảo.

Theo ông Lê Khắc Côi – Hội chủ rừng Việt Nam thì bản dự thảo có một tiến bộ lớn (trong lĩnh vực ban hành quy phạm pháp luật điều chỉnh, bổ sung, thay thế) vì khi Thông tư này có hiệu lực thì việc tuân thủ các yêu cầu pháp luật về hồ sơ khai thác và quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản sẽ dễ dàng hơn do không phải tốn nhiều thời gian và công sức tìm kiếm.

Các Nhóm thảo luận ý kiến về các vấn đề cần chỉnh sửa, bổ sung trong bản dự thảo Thông tư.

Ý kiến của các tổ chức, chuyên gia trong hội thảo đã góp phần xây dựng, bổ sung cho Thông tư được đầy đủ, giúp cho việc quản lý hồ sơ khai thác, quản lý lâm sản, truy xuất nguồn gốc lâm sản một cách dễ dàng và thuận tiện trong việc khai thác, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển và chế biến lâm sản.

Thạch Thảo