BVRMT – Cỏ biển, “lá chắn tự nhiên” giúp bảo vệ con người và sinh vật biển trước tình trạng ô nhiễm, đang đứng trước nguy cơ dần biến mất do tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo nghiên cứu công bố ngày 16/2 trên tạp chí Science (Khoa học), các vùng có lớp cỏ biển khỏe mạnh có thể giúp giảm tới 50% số lượng vi khuẩn nguy hại tới con người và sinh vật biển như bọt biển, trai và các loài cá nhỏ.
Chủ nhiệm công trình nghiên cứu, chuyên gia Joleah Lamb của Đại học Cornell cho biết, cỏ biển có khả năng chống vi khuẩn và đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu đánh giá tác động của hệ sinh thái này đối với các sinh vật biển.
Nhóm chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu vùng biển thuộc khu vực Quần đảo Spermonde của Indonesia thông qua xét nghiệm vi khuẩn Enterococcus trong nước biển, tiêu chuẩn để đánh giá các nguy cơ đối với sức khỏe của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA).
Tại khu vực gần bờ, các nhà khoa học phát hiện số lượng vi khuẩn Enterococcus vượt mức an toàn của EPA gấp 10 lần. Tuy nhiên, tại vùng nước có cỏ biển, lượng vi khuẩn Enterococcus đo được lại thấp hơn mức trung bình 3 lần.
Ngoài ra, các điều tra thực địa cũng cho thấy hơn 8.000 san hô sống gần bãi cỏ biển có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn 2 lần so với các san hô ở xa.
Tuy nhiên, các chuyên gia báo động số lượng các bãi cỏ biển toàn cầu đang giảm với tốc độ trung bình 7%/năm tính từ năm 1990. Và mặc dù nhiều nhà bảo tồn đã và đang nỗ lực tái tạo hệ sinh thái cỏ biển, dự án này vấp phải nhiều khó khăn và cho hiệu quả thấp.
Các chuyên gia cho rằng cách duy nhất để bảo vệ “lá chắn tự nhiên” là giảm các mối đe dọa từ con người, bao gồm hiện tượng ấm lên toàn cầu, ô nhiễm, rác thải biển trong khi thúc đẩy phát triển bền vững.
Nghiên cứu trên là công trình hợp tác của Trung tâm Khoa học Monaco, Viện Khoa học Biển Australia, Đại học James Cook (Australia) và Đại học Hasanuddin (Indonesia).