Hướng tới một Đà Lạt có rừng trong phố

BVR&MT – Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, nơi được nhiều người biết đến với khí hậu mát mẻ, trong lành nhất Tây Nguyên, với những rừng thông cổ thụ, nhiều ngôi biệt thự cổ có từ thời Pháp thuộc, nhiều dân tộc sinh sống lâu đời với những nét văn hóa khác nhau…

Thế nhưng, đó là những câu chuyện của 10 năm trước hoặc lâu hơn nữa. Thời điểm này đến với Đà Lạt, xứ sở mù sương ấy đã hoàn toàn khác, khiến cho những ai đã từ đến Đà Lạt nhiều năm trước, nay trở lại sẽ không khỏi chạnh lòng.

Sự thay đổi ở Đà Lạt

Lần thứ hai trở lại Đà Lạt trong một năm, xứ mộng mơ này đã đem đến cho chúng tôi – phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường – hết bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Đi bộ quanh hồ Xuân Hương ngắm nhìn những công trình, nhà hàng, khách sạn hiện đại, rồi dòng xe ầm ào di chuyển vòng quanh bờ hồ, thậm chí người ta còn đề xuất xây dựng bãi đậu xe 7 tầng giữa trung tâm, kế bên hồ. Chắc hẳn những hình dung về một hồ Xuân Hương tĩnh lặng và đầy lãng mạn trong tâm trí của hầu hết du khách sẽ khiến họ có chút ngỡ ngàng khi ghé thăm Đà Lạt.

Đô thị phát triển, dân số đông lên, vùng lõi đô thị mọc lên nhiều công trình xây dựng.

“Đặc sản” của Đà Lạt, ngoài khí hậu, thì rừng thông cổ thụ – hình ảnh thường thấy ở Đà Lạt trước đây ngày càng ít đi. Những cánh rừng đó đã được thay thế bởi nhiều dãy nhà, chỉ còn lác đác những cây thông may mắn còn sót lại, chúng trở nên cô đơn, lẻ loi trong một thành phố ồn ào và đông đúc.

Sáng sớm, Đà Lạt cũng không còn đem lại sự mờ ảo bởi sương mù của thành phố mờ sương như trước đây, màn sương sớm nay đã bay cao, bay xa lên những ngọn đồi cao mà không còn quện xuống mặt hồ thơ mộng, du khách muốn tận hưởng phải di chuyển đến những đỉnh núi, rừng thông ở ngoại ô thành phố.

Đô thị phát triển, dân số đông lên, vùng lõi đô thị mọc lên nhiều công trình xây dựng cũng đồng nghĩa với việc xe lưu thông qua lại nhiều thêm. Và điều tất yếu sẽ đến, đó là ô nhiễm môi trường, bụi, … Ngày nay đến với Đà Lạt rất dễ chứng kiến những người bịt khẩu trang khi đi ra đường vì bụi chứ không phải vì lạnh như trước. Gần trưa là ánh nắng mặt trời đã xua tan màn sương mỏng manh của xứ sở sương mù, đem cái nóng đến thành phố.

Di chuyển một vòng quanh thành phố để được chứng kiến những thay đổi, điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất là sự phát triển của nhà kính, nhìn từ trên cao chúng như những luống đất bà con chuẩn bị trồng rau, nằm san sát, uốn lượn từ dưới thung lũng lên đỉnh đồi, có những nơi đồi núi cũng bị san gạt để lấy mặt bằng làm nhà kính.

Đà Lạt đang bị ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính, kéo theo đó nhiều hệ lụy liên quan đến môi trường, khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới thành phố này.

Điển hình nhất là khu vực làng hoa Thái Phiên, nhìn hết tầm mắt khó có thể phân biệt đâu là điểm kết thúc cuối cùng của nhà kính. Xen giữa những dãy nhà kính là những con đường bê tông để thuận tiện đi lại. Và tất nhiên giữa mênh mông nhà kính ấy chỉ còn lác đác vài cây thông hiện diện. Ít ai biết được rằng nơi này đã từng là một rừng thông.

Trao đổi với người dân địa phương được biết, chính vì sự phát triển ồ ạt của nhà kính, rừng mất, bê tông hóa nhiều và thêm lý do vì thời tiết nên những năm gần đây hầu như năm nào ở Đà Lạt cũng có một số tuyến phố khi mưa đến là bị ngập nước, xuất hiện lũ đem theo bùn đất cuồn cuộn chảy từ miền cao về vùng trũng, gây thiệt hại về tài sản và hoa màu của bà con. Mùa khô tình trạng thiếu nước, khan hiếm nước cũng đã diễn ra.

Hướng tới một Đà Lạt có rừng trong phố

Được biết, trước những biến đổi về khí hậu, thay đổi về môi trường, xã hội, các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều biện pháp để thích ứng, để xây dựng một Đà Lạt trở thành một đô thị thông minh, đô thị xanh, thân thiện với môi trường, sinh thái. Đáng chú ý, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đang lên kế hoạch chọn một số địa điểm để thí điểm mô hình Làng đô thị xanh nhằm đưa Đà Lạt thay đổi trong tương lai, một loạt dự án nghiên cứu đã được tiến hành khảo sát, đánh giá.

Đặc biệt, dự án của một nhóm nghiên cứu sinh đã và đang được tiến hành nhằm hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình Làng đô thị xanh ở khu vực Trại Mát – Xuân Thọ. Theo khảo sát của chúng tôi, địa điểm này vốn đặc trưng bởi nền nông nghiệp truyền thống như trồng rau, hoa, cà phê, cây ăn trái. Ngày nay, nông nghiệp ngày càng phát triển theo hướng tăng nhanh về số lượng nhà kính và lấn dần lên các mảng rừng trên triền đồi. Đây cũng là điểm du lịch được nhiều người biết đến ở Đà Lạt bởi từ thành phố Đà Lạt có thể di chuyển bằng xe lửa tới Trại Mát (ngày xưa có tuyến xe lửa Đà Lạt – Phan Rang giờ chỉ còn đoạn này hoạt động).

Trao đổi với phóng viên, là một nghiên cứu sinh vừa mới hoàn thành khóa học thạc sỹ ở Vương quốc Bỉ trở về, sinh ra ở Đà Lạt nên Đoàn Anh Khoa có rất nhiều kỷ niệm với nơi đây và cũng là người chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ về đô thị ở Đà Lạt cùng như sự thay đổi về mặt văn hóa, xã hội, môi trường.

Đoàn Anh Khoa – cho biết: “Mười năm trở lại đây diện tích rừng thông ngày càng giảm, do nhiều yếu tố, nhưng đặc biệt là sự phát triển nông nghiệp tự phát và nhu cầu nhà ở tăng cao. Một số người dân tìm cách chặt thông trong khuôn viên đất ở của mình, số khác thì chặt thông với lý do sự ảnh hưởng của tán thông và lá thông đến năng suất cây trồng.

Nông nghiệp ở Đà Lạt được định hướng nông nghiệp công nghệ cao, và người dân cũng dần chuyển sang xây dựng nhà kính, bỏ đi thói quen làm nông nghiệp truyền thống ngoài trời. Thêm nữa nông nghiệp ở Đà Lạt cũng còn một hạn chế lớn, đó là được canh tác theo hướng đơn chức năng như chỉ tập trung canh tác rau, hoa, cà phê, vv, dùng hóa chất diệt hết các loại sâu bọ, côn trùng nên không có tính bền vững về mặt sinh thái. Vì thế trong tương lai nên thực hiện nông lâm kết hợp xen canh các giống cây với nhau, nghiên cứu áp dụng hợp lý mô hình vườn, ao, chuồng, kết hợp với các biện pháp bảo vệ địa hình tự nhiên và cảnh quan suối, hồ tạo thành hệ sinh thái thu nhỏ, áp dụng được thì Đà Lạt sẽ bền vững hơn trong tương lai”.

Từ nghiên cứu đó, nhóm của Đoàn Anh Khoa đã hoàn thành một đồ án trong 7 tháng, đồ án đã đưa ra những hạn chế, tồn tại, cũng như phương hướng thực hiện, bảo vệ và bảo tồn nét văn hóa, xã hội, cũng như cách thức thực hiện trong thời gian tới. Như Đoàn Anh Khoa giải thích: “Đà Lạt thiếu nước vào mùa khô vì làm nhà kính và bê tông hóa khiến nước không thể thẩm thấu vào đất và trôi về hạ nguồn. Thường thì vài hộ có đào một hồ chứa nước mưa, còn những hộ làm nông nghiệp công nghệ cao có hệ thống giếng khoan. Nghiên cứu các bài học ở các nước, đồ án của nhóm mình đề xuất hệ thống hồ theo tầng bậc dọc theo các dòng nước, giống như ruộng bậc thang ở ngoài phía Bắc, kết hợp với các giống cây thích hợp có thể lọc được nước trong hồ một cách tự nhiên nữa”.

Nhóm nghiên cứu cho biết, hiện nay theo quy hoạch, vùng Đà Lạt mở rộng sẽ bao gồm phần diện tích Đà Lạt hiện hữu, huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương và một phần huyện Lâm Hà. Mong muốn tương lai đan xen Đà Lạt và các đô thị vệ tinh là các khu dân cư trong đó có sự kết hợp giữa rừng và nông nghiệp, là những ngôi làng nhưng có đầy đủ các tiện nghi và tiêu chuẩn của một đô thị, phát triển theo hướng xanh, bền vững, gọi là làng đô thị xanh. Bên cạnh đó, vừa cố gắng bảo vệ, vừa cố gắng trồng mới, tạo thành các mảng rừng chạy dọc theo các tuyến suối.

Bảo tồn và phát huy giá trị vốn có

Được biết, trong thời gián tới, nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo, đóng góp thêm ý tưởng đến Sở xây dựng tỉnh Lâm Đồng, có thể  xây dựng thí điểm mô hình Làng đô thị xanh ở Xuân Thọ trong tương lai không xa. Nghiên cứu cho thấy cần phải quản lý tốt hơn các dự án xây dựng và hoạt động canh tác nông nghiệp, bảo vệ tối đa diện tích rừng còn sót lại, khuyến khích nông lâm kết hợp, đưa rừng trở lại thành phố, “mình muốn có rừng mang cả yếu tố kinh tế, mang lại lợi ích cho bà con, chứ rừng thông chủ yếu là cảnh quan, cây tuổi thọ lớn nên khi mưa gió dễ gẫy đổ” – Đoàn Anh Khoa cho biết.

Trước khi hoàn thành nghiên cứu, nhóm đã tổ chức một Hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với sinh viên đến từ 05 trường Đại học, với sự đa dạng các chuyên ngành như quy hoạch, kiến trúc, kiến trúc cảnh quan, nông nghiệp và du lịch tham gia, cùng nhau đi khảo sát, nghiên cứu thực trạng phát triển rừng gắn với nông nghiệp và đô thị ở các khu vực Lạc Dương, Trại Mát – Xuân Thọ, Làng hoa Vạn Thành – Sân Bay Cam Ly, Trung tâm Đà Lạt… chia nhóm đi nghiên cứu, khảo sát hiện trạng, thảo luận. Kết quả của Hội thảo là những câu hỏi mở về thực trạng phát triển rừng gắn với nông nghiệp và đô thị ở Đà Lạt. Đồng thời, hội thảo đã tập hợp lại ý tưởng mới của thế hệ trẻ cùng những góp ý của những chuyên gia và các nhà lãnh đạo.

“Mục tiêu của nghiên cứu là nâng cao chất lượng sống của người dân bản địa. Trong tương lai, Đà Lạt đang hướng tới phát triển theo hướng đô thị thông minh, đô thị xanh, bền vững, định hướng ưu tiên phát triển du lịch canh nông, du lịch dưới tán rừng, du lịch sinh thái. Tuy nhiên, khi mà những nghiên cứu quy hoạch ở các nước phát triển chủ yếu dựa vào nhu cầu của người dân và tôn trọng đặc trưng bản địa, thì ở Việt Nam việc quy hoạch vẫn còn theo hướng khoanh vùng, đưa ra những định hướng mang tính chủ quan và áp đặt, nên có khoảng cách với thực tế đời sống của người dân, làm mất đi cái hồn vốn có của một đô thị, một khu dân cư. Một ví dụ là việc quy hoạch khu đô thị mới ở Trại Mát, khi so sánh đối chiếu giữa quy hoạch hiện có với thực tế từ khảo sát hiện trạng của nhóm, một khu đô thị mới đang được định hướng hình thành trên một diện tích lớn nông nghiệp truyền thống, trong khi thiếu những phân tích sâu về hiện trạng cũng như đặc trưng văn hóa, xã hội và sản xuất của khu vực.

Khu vực làng hoa Thái Phiên ảnh hưởng nặng nề của hiệu ứng nhà kính.

Quy hoạch ở Việt Nam chủ yếu là khoanh vùng, phân giai thửa, theo cách quy hoạch nhìn từ vệ tinh chứ chưa chú trọng thiết kế đô thị, cảnh quan, bản sắc và các yếu tố cốt lõi. Nhìn vào những bản quy hoạch, chúng ta chỉ có thể thấy những mảng màu chứ chưa có những định hướng về sự kết nối và tương tác giữa con người với không gian cảnh quan cơ sở hạ tầng như thế nào hòa hợp với thiên nhiên…

Do đó, những bản quy hoạch ở Đà Lạt nói riêng cũng chưa thật sự nhận được sự hưởng ứng tuyệt đối từ người dân. Quy hoạch đôi khi làm xáo trộn đời sống của người dân. Hạ tầng một số vùng ven phát triển không đồng bộ, do chủ yếu tập trung phát triển ở khu vực trung tâm Đà Lạt. Ở các nước châu Âu, xuyên suốt quá trình lập quy hoạch, một hội đồng quy hoạch được lập ra ở từng khu dân cư, nơi mà các đại diện của cư dân sẽ cùng ngồi với kiến trúc sư và các bên liên quan để cùng thảo luận và đưa ra phương án quy hoạch hợp lý nhất. Đó cũng là một trong những điều mà chúng ta nên học hỏi từ các nước phát triển.

Đà Lạt cũng là một mảnh đất với sự hiện diện đa dạng của các thành phần cư dân, với nét đặc trưng văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số (người K’ho với ba tộc người chính là Lạch, Chil và Srê). Thời gian gần đây giữa bà con dân tộc thiểu số và đa số đã có những trao đổi học hỏi lẫn nhau để phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên một số nét văn hóa bản địa cũng có nguy cơ mai một, đặc biệt là do việc phát triển du lịch một cách tự phát và lai căn. Hy vọng rằng chúng ta sẽ có những nghiên cứu và cơ chế chính sách kịp thời, để việc phát triển đô thị và nông nghiệp mạnh mẽ sẽ không đánh mất đi nét văn hóa và bản sắc của Đà Lạt ”.

Văn Hoàng