Hiệp Thuận mùa dâu tằm chín

BVR&MT – Thời điểm cuối tháng 3, vựa dâu tằm tại xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) bắt đầu vào thời gian thu hoạch đầu vụ. Tuy bị ảnh hưởng do đợt mưa muối tháng Giêng nhưng tại thời điểm này, bà con hồ hởi vì dâu cho quả đẹp, chín đều và giá thành cao. 

Tận dụng lượng phù sa giàu dinh dưỡng, những vườn dâu tằm nằm cạnh sông Đáy đã và đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con xã Hiệp Thuận. Thời điểm này chỉ mới là đầu vụ tuy nhiên bà con ở đây ai cũng hối hả vào mùa. Bởi hiện tại giá bán cho thương lái và giá bán lẻ đang đạt mức giá cao, nhiều gia đình ở đây đều tranh thủ vì giá dâu sẽ tăng giảm theo ngày.

Gia đình bác Nguyễn Phú Trần phấn khởi vì vụ dâu năm nay bán được giá cao.

Gặp gia đình bác Nguyễn Phú Trần – thôn Hiệp Lộc thời điểm mặt trời đã lên đỉnh đầu, nhưng đôi tay của hai vợ chồng bác vẫn thoăn thoắt, ánh mắt và nụ cười phấn khởi khiến chúng tôi cũng mừng thầm nghĩ chắc năm nay hai bác được mùa. Được biết gia đình bác canh tác được 3 sào đất trồng dâu cho quả đẹp, thương lái đang vào tận vườn mua với giá hợp lý nên hai vợ chồng bác Trần đang cố để bán được thêm 20kg dâu.

Bác Trần chia sẻ: “Đáng lẽ chúng tôi đã bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 3 dương lịch, nhưng vì đợt mưa muối tháng giêng nên dâu bị hỏng nhiều, xong chăm bón thì nay mới được quả như này để bán”.

Cây dâu đã trờ thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con xã Hiệp Thuận nhiều năm nay.

Chị Đỗ Thị Loan, ở cụm 7, xã Hiệp Thuận cho hay: “Vườn dâu nhà tôi rộng 11 thước đã bước sang năm thứ sáu, gốc cây rất to. Những ngày dâu chín rộ, nhà tôi hái được tới 50kg, thu nhập hơn 700.000 đồng”.

Do đầu mùa nên giá dâu vẫn đạt ở mức cao. Giá bán lẻ khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg, giá bán buôn giao động  từ 15.000 – 18.000đồng/kg. Bác Trần chia sẻ: “Với giá 20.000 đồng/kg được coi là được giá rồi. Nhiều nhà được mùa mang lại thu nhập chục triệu. Nhưng đặc thù của dâu là giá tăng giảm theo ngày, sáng 20.000 đồng, nhưng chiều có thể chỉ còn 13.000 đồng/kg thôi. Nên bây giờ mọi người đều tranh thủ bán thời điểm giá đang cao”.

Những quả dâu đầu vụ cho quả đẹp và chín đều.

Nhớ năm trước thời điểm chính vụ, chịu ảnh hưởng của dịch Covid–19, gia đình chị Đỗ Thị Hồng (thôn Hiệp Thuận) nói: “Hai vợ chồng trẩy từ sáng sớm được 19 kg dâu bán chưa nổi 100.000 đồng. Với cái giá này chắc gia đình tôi bỏ chứ chẳng trẩy nữa. Năm nay lại chịu tác động của khí hậu, nhiều gia đình sau đợt mưa muối, cây lá vàng hết, sâu bệnh và nhiều nhà phải chặt bỏ. Lứa quả đầu tiên đa số đều bị hỏng và vứt bỏ hoàn toàn”.

Thương lái về tận vườn để thu mua.

Theo chia sẻ của bà con, trung bình một người hái liên tục trong vòng 8 tiếng được khoảng 30 kg dâu/ngày. Thời điểm vào chính vụ hầu hết phải huy động con cái, thuê nhân công trẩy, để chín quá dâu sẽ hỏng. Sau khi hái sẽ được tập kết lại và chờ thương lái đến mua, còn lại số ít sẽ mang ra chợ hoặc để ngâm nước trong gia đình. Mỗi nhà trồng khoảng vài chục gốc, nhà nhiều gần trăm gốc dâu và chỉ trẩy dâu trong một tháng rồi lại cắt tỉa, chăm sóc vụ sau.

Hà Linh – Đào Thúy