BVR&MT – Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo tồn di sản thiên nhiên, coi đây là một bộ phận quan trọng trong việc phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Trong sự nghiệp đầy vinh quang ấy, cách đối xử của tỉnh Bắc Giang với cây Dã Hương ngàn năm tuổi rất đáng để chúng ta suy ngẫm, học tập và làm theo.
Từ nâng niu, chăm sóc
Đến thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, chúng tôi đã thấy ngay một người đàn ông lớn tuổi và một cậu thanh niên trẻ nhiệt tình chỉ dẫn chỗ đậu xe và đon đả mời đoàn khách vào tham quan cây quý. Chỉ đứng từ xa, chúng tôi đã cảm nhận được bóng mát và mùi thơm dịu pha chút hăng hắc thoang thoảng lan tỏa khắp nơi. Với giọng sang sảng nồng ấm, ông Nguyễn Văn Đề, người đã trông coi cây Dã Hương lâu năm giới thiệu cặn kẽ, tỉ mỉ lai lịch của “cụ”.
Gọi là “cụ” cũng chẳng sai vì kết quả nghiên cứu khoa học chính thống đã xác định đây là cây hạt kín rất hiếm hoi còn sót lại sau trận đại hồng thủy biển tiến muộn. Cây cao 36m, có vỏ dày trung bình 15cm. Thân cây chỗ to nhất 12,5m, phải 8 người lớn dang tay mới ôm hết. Thuộc họ long não rất quý nên các bộ phận của cây có chứa chất tinh dầu thơm có tác dụng chữa bệnh, đặc biệt rễ cây có chứa chất Safrol rất có giá trị trong công nghệ chế biến dược phẩm, mỹ phẩm và nghiên cứu khoa học.
Ông Đề kể cho chúng tôi nghe các sự tích gẫy cành của cây Dã Hương gắn với các giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc như Cách mạng tháng Tám, Chiến dịch Điện Biên Phủ hay giải phóng đất nước… Trong lời kể của ông Đề, toát lên sự tôn kính với cây Dã Hương như với một bậc cao niên trong gia đình.
Như bắt được câu chuyện, ông lão ngồi hóng mát bên cạnh nhớ lại chuyện cây Dã Hương bị rửa trôi cách đây 20 năm. Khi ấy, “cụ” bị trơ hết gốc, thân xơ xác, lá úa vàng rơi đầy nhìn xót ruột lắm. Không ai bảo ai, cả trăm gia đình trong làng cùng nhau lấy đất đổ vào trùm gốc, rồi cây cũng xanh trở lại trong niềm hạnh phúc của dân làng. Rồi vụ trẻ con tránh mưa đốt lửa dưới gốc cây làm cháy âm ỉ trong thân cây suốt hai ngày. Xã cho hai xe cứu hỏa đến cùng bà con dập mãi mới xong, còn gánh đất ruộng đổ vào lỗ hổng trong thân cây để giữ “cụ” đến tận hôm nay.
Đến trách nhiệm với di sản
Ý thức được trách nhiệm của địa phương trong công tác báo vệ di sản thiên nhiên, người dân và chính quyền sở tại đã lên một kế hoạch lớn để bảo tồn cây Dã Hương quý hiếm này. Mô hình bảo tồn cây cổ thụ quý của tỉnh Bắc Giang và huyện Lạng Giang đã tuân theo một quy trình chuẩn mực, đó là khẩn trương mời các nhà khoa học và các tổ chức uy tín đánh giá đúng về mức độ “quý” của cây, sau đó tôn tạo và tu bổ đình Tiên Lục và một số di tích trong vùng, phát triển cụm du lịch văn hóa-sinh thái đó trở thành một điểm du lịch nổi tiếng. Tỉnh Bắc Giang đã nhận thấy, đánh giá đúng về giá trị to lớn của cây Dã Hương, nếu khai thác tốt sẽ mang lại nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh nên đã chủ động đầu tư hơn 300 triệu đồng vào việc xây dựng khuôn viên, giá đỡ bê tông để bảo vệ cây Dã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham quan của du khách, bên cạnh đó tinh, huyện đã quảng bá sâu rộng hình ảnh cây cổ thụ quý đến mọi người, thu hút đầu tư và trở thành một điểm đến quen thuộc, thường xuyên của các chương trình tour, các dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Công tác bảo vệ cây quý cũng được chính quyền địa phương kết hợp cùng bà con nhân dân thực hiện quyết liệt. Việc phòng chống mối hại cây – nguyên nhân chính khiến cây mục ruỗng được tiến hành đều đặn, các loại động vật có ích cho cây như thạch thùng, tắc kè, nhái… được nuôi thả cẩn thận nhằm đem lại cho cây một môi trường sống tốt nhất. Điều đáng nói ở đây là trách nhiệm bảo vệ cây không chỉ có ở chính quyền mà còn ở tất cả mọi người dân trong vùng. Mỗi khi có khách tham quan, người dân luôn nhắc nhở du khách không leo trèo, bẻ cành, khắc lên cây, thậm chí cả trẻ em cũng không bắt chim để quả cây có thể nảy mầm thành cây con, đem lại nguồn thu cho ngành du lịch địa phương.
Đi hỏi chuyện những người dân sống quanh cây Dã Hương mới thấy được tình cảm của họ với cây cổ thụ. Ai cũng coi đó như báu vật, cũng quý trọng, nâng niu “cụ cây” với tình cảm thiêng liêng. Có lẽ vì tình cảm cao cả và tinh thần trách nhiệm cao đến như vậy của chính quyền và người dân trong vùng nên cây Dã Hương mới được bảo vệ và tồn tại được đến ngày nay. Nói gì thì nói, để làm được một việc lớn lao thì trước hết cũng phải có sự đoàn kết của toàn dân, như cách Bắc Giang đã làm để bảo vệ “cụ” Dã Hương.
Bài, ảnh: Trung Thành