Hà Nội: Tăng cường các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng gắn với ứng phó biến đổi khí hậu

BVR&MT – Sở NN&PTNT Hà Nội vừa tiến hành rà soát kết quả công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng gắn với thực hiện Kế hoạch số 228/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, trong công tác quản lý bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, thời gian qua, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT đã tăng cường kiểm tra đôn đốc các chủ rừng và chính quyền cơ sở triển khai thực hiện phương án quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định. Đồng thời, tiếp tục triển khai tốt và có hiệu quả công tác tổ chức dự báo, cảnh báo cháy rừng. Bố trí kiểm lâm địa bàn thường trực quan sát phát hiện sớm cháy rừng tại các chòi quan sát lửa rừng.

Ảnh minh họa.

Đồng thời, tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra những vùng trọng điểm hay xảy ra cháy rừng, trong đó chú trọng những nơi có số người ra vào rừng đông, tại các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch tâm linh để kiểm soát nguồn lửa sử dụng trái phép tránh cháy lan vào rừng. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng tổ chức thực hiện các phương án quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, chủ động xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy ở khu rừng dễ cháy đặc biệt rừng trồng thông tập trung trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, các đơn vị thuộc Sở trung bình mỗi năm hạ cấp vật liệu cháy cho 100 – 120ha/rừng/năm.

Bên cạnh đó, đối với công tác trồng, chăm sóc rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã trồng rừng đạt 41,25ha (rừng phòng hộ 20,75ha, rừng sản xuất 20,5ha) và chăm sóc hơn 2.078ha rừng phòng hộ. Riêng năm 2018 đã giao khoán quản lý cho khoảng 6.400ha rừng phòng hộ, đặc dụng (chiếm khoảng 72% diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng) với mức kinh phí giao khoán bình quân 900.000 đồng/ha. Các diện tích được giao khoán quản lý bảo vệ cơ bản ổn định, cây rừng sinh trưởng phát triển tốt, phát huy được khả năng phòng hộ bảo vệ môi trường và cảnh quan của khu vực.

Ngoài ra, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội cần tập trung cho công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền Luật Lâm nghiệp. Năm 2018 đã kiểm tra xử lý 100 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, xử lý tịch thu 154 cá thể động vật hoang dã; gỗ các loại quy tròn 61,924m3 (trong đó 38,783m3 gỗ quý hiếm); tổng số tiền thu từ xử lý vi phạm hành chính hơn 2 tỷ đồng. Các vụ việc vi phạm được xử lý đúng quy định của pháp luật. 9 tháng năm 2019, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT đã kiểm tra và xử lý vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng: Kiểm tra, xử lý 24 vụ vi phạm lâm luật bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu 22 cá thể động vật hoang dã, gỗ các loại quy tròn là 21,612m3 (trong đó 2,407m3 gỗ quý hiếm); tổng số tiền thu được từ xử lý vi phạm 540,7 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước.

Thạch Thảo  (Tổng hợp)