Hà Giang: Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững

BVR&MT – Thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 và thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2017-2021”, trong thời gian qua tỉnh Hà Giang đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp người dân phát triển kinh tế, đạt được nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo. 

Vườn ươm cây dược liệu của anh Lý Tà Dèn (thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, Hà Giang)
Vườn ươm cây dược liệu của anh Lý Tà Dèn (thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, Hà Giang)

Hà Giang có 6 huyện vùng cao nằm trong số 61 huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước (trên 50%). Đời sống nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt, mưa lũ thường xuyên xảy ra đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh đặc biệt là cuộc sống của người dân. 

Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, chấp hành các hành các văn bản các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, quyết định, về các chính sách hỗ trợ. Chủ động xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề và Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết, Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với những giải pháp hiệu quả và thiết thực, phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tiễn trên địa bàn, làm căn cứ phân bổ và bố trí ngân sách tổ chức triển khai thực hiện nhằm đạt các mục tiêu về giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Chương trình Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo hàng năm, với mục tiêu: Giảm nghèo bền vững giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 4%/năm, huyện nghèo, xã nghèo giảm 6%/năm ,hạn chế tái nghèo. Trên cơ sở đó tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động, giải pháp chi tiết đến từng lĩnh vực, từng xã, thôn bản và hộ nghèo, đảm bảo tạo điều kiện để các hộ nghèo đều có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản để thoát nghèo bền vững.

Mô hình nuôi trâu vỗ béo của người dân xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì.
Mô hình nuôi trâu vỗ béo của người dân xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì.

Trong 5 năm qua, nhờ thực hiện tốt từng dự án thành phần thuộc Chương trình cùng với các chính sách giảm nghèo khác và các chính sách an sinh xã hội, kết quả, từ năm 2016 đến hết năm 2019, toàn tỉnh giảm 25.498 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 26,73%, giảm 16,92% so với đầu năm 2016, trong đó 6 huyện nghèo tỷ lệ hộ nghèo giảm 24,0% so với đầu năm 2016. Đời sống của các hộ nghèo ngày càng được nâng cao, tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững (số hộ tái nghèo giai đoạn là 1.396 hộ, chiếm tỷ lệ 3,6% số hộ thoát nghèo). Đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên, khoảng 70% lao động sau tốt nghiệp có việc làm, chính sách an sinh xã hội bình quân mỗi năm hỗ trợ cho khoảng 6 ngàn hộ; cấp thẻ bảo hiểm y tế bình quân hàng năm cho 716.611 đối tượng, thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập bình quân cho 188.146 học sinh nghèo, hỗ trợ nhà ở tổng số hộ được hỗ trợ cả giai đoạn là 5.455 hộ. Các chính sách, dự án giảm nghèo triển khai có hiệu quả, giúp các dịch vụ xã hội cơ bản đã đến với người nghèo, cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể, đời sống người dân được nâng lên, từng nội dung đầu tư, hỗ trợ đều có tác động trực tiếp đến thúc đẩy kinh tế, văn hóa – xã hội, giảm nghèo ở vùng dân tộc và miền núi, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là các xã đặc biệt khó khăn.

Theo đánh giá, việc thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào vùng DTTS và miền núi; phản ánh kịp thời các tấm gương người tốt, việc tốt, các mô hình làm kinh tế giỏi, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo… Nhiều địa phương đã đề ra chỉ tiêu về giảm nghèo vùng DTTS và miền núi, xây dựng nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) hằng năm, xây dựng giải pháp cụ thể và bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện các đề án, chính sách. Nhờ thực hiện tốt công tác PBGDPL, KT-XH vùng DTTS có nét khởi sắc, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các DTTS được quan tâm. Vùng đồng bào DTTS không phát sinh “điểm nóng”, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Trong quá trình thực hiện tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo, hộ nghèo giảm nhanh nhưng số hộ nghèo mới phát sinh vẫn còn cao, phần lớn nằm ở vùng cao núi đá và đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể từ năm 2016-2019 toàn tỉnh có 39.052 hộ thoát nghèo nhưng có đến 12.167 hộ phát sinh nghèo mới. Số lượng hộ nghèo cần hỗ trợ nhà ở vẫn còn lớn trong khi đó nguồn ngân sách hạn hẹp, việc huy động các nguồn lực khác còn gặp nhiều khó khăn cùng với khó khăn về điều kiện tự nhiên làm cho kinh tế chậm phát triển, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, gây ra nhiều thách thức trong công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, đời sống người dân thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, song song với những khó khăn còn tồn tại tỉnh Hà Giang vẫn luôn nỗ lực không ngừng, từng bước đi lên hoàn thành mục tiêu đã đề ra và sẽ tiếp tục tìm ra các giải pháp giải quyết khó khăn trong giai đoạn tiếp theo.

Hoàng Tôn