Giải pháp phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu

BVR&MT – Ngày 9/8/2022, tại Quảng Trị, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu”.

Toàn cảnh diễn đàn.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, giai đoạn 2011-2020, cả nước trồng 2.450.400 ha rừng trồng sản xuất, trong đó, trồng mới 800.981 ha và trồng lại 1.649.419 ha. Trong diện tích trồng rừng sản xuất, cây có chu kỳ khai thác 5-7 năm (Keo, Bạch đàn), chiếm 70%, diện tích tương đương 1.715.280 ha; Cây có chu kỳ khai thác 8-12 năm (Mỡ, Bồ đề, Tràm), chiếm 20%, diện tích tương ứng 490.000 ha; Các loài cây khác có chu kỳ khai thác trên 10 năm (Lát, Xoan, Thông và các loài cây bản địa khác), chiếm 10%, diện tích tương ứng 245.400 ha. Rừng trồng sản xuất được phân theo vùng, miền như các tỉnh miền Bắc: 1.505.100 ha; Các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên: 863.100 ha; Các tỉnh miền Nam: 82.200 ha.

Đến nay, có 526 nguồn giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận tại 35/63 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 4.287,5 ha, trong đó, 56 lâm phần tuyển chọn, diện tích 1.467,4 ha; 71 rừng giống, rừng giống chuyển hóa, diện tích 2.614,5 ha; 12 vườn giống, diện tích 73,6 ha; 333 vườn cây đầu dòng, diện tích 356,3 ha.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm tập trung phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, phát triển rừng kinh tế, đẩy mạnh trồng rừng thâm canh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai. Kết quả trồng rừng của giai đoạn 2016 – 2020 đạt 40.779 ha rừng trồng tập trung; trong đó, trồng rừng sản xuất cung cấp gỗ nguyên liệu: 39.026 ha, trồng khoảng 12,7 triệu cây phân tán các loại trên địa bàn. Năm 2021, diện tích rừng trồng tập trung đạt toàn tỉnh đạt 10.455 ha, cây phân tán đạt 3,12 triệu cây. Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện thành công nhiều mô hình chuyển đổi trồng rừng gỗ dăm sang mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chứng chỉ FSC). Nhờ vậy, Quảng Trị được đánh giá là một trong những tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho các tổ chức, mô hình nhóm hộ gia đình.

Tại Diễn đàn, các báo cáo tham luận bao gồm các nội dung chính như: Giải pháp phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ công nghiệp ngành chế biến gỗ; Chứng chỉ rừng tại Việt Nam, giải pháp phát triển rừng trồng có chứng chỉ tại vùng nguyên liệu cung cấp gỗ lớn; Thực trạng và giải pháp phát triẻn rừng trồng gỗ lớn gắn với thực hiện chứng chỉ FSC phục vụ chế biến và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Để phát triển nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ công nghiệp chế biến gỗ, Tổng cục Lâm nghiệp đã đưa ra một số nhiệm vụ phát triển vùng nguyên liệu, trong đó có định hướng các dự án, hạng mục ưu tiên như Nghiên cứu chọn tạo giống mới, khảo nghiệm các giống đã được công nhận theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu kinh doanh gỗ lớn và thúc đẩy hoạt động chuyển giao các giống mới vào sản xuất; Xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn cho một số loài cây chủ yếu; Lập quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ lớn gắn với các cơ sở chế biến để thực hiện chuyển hóa rừng trồng hiện có và trồng rừng thâm canh gỗ lớn; Nghiên cứu xây dựng chính sách liên doanh, liên kết để phát triển rừng kinh doanh gỗ lớn; Nghiên cứu, rà soát và đề xuất chính sách đặc thù về đất đai đối với trồng rừng kinh doanh gỗ lớn; Chuyển hóa 100.000 ha rừng trồng hiện có sang kinh doanh nguyên liệu gỗ lớn; Trồng mới và trồng lại rừng 350.000 ha với mục đích kinh doanh nguyên liệu gỗ lớn./