Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

BVR&MT – Trong bối cảnh hiện nay, đứng trước sự thay đổi của thời đại, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ, toàn diện để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cần được chú trọng bảo tồn và phát huy.

Tại Hội thảo Văn hóa 2022 “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” tổ chức tại Bắc Ninh ngày17/12, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm cho biết, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, với 53 dân tộc thiểu số (DTTS), mỗi dân tộc lại có những phong tục, tập quán, lối sống với những bản sắc riêng, mang tính đặc thù.

Chính điều đó tạo cho Việt Nam một nền văn hóa vừa đa dạng, vừa thống nhất. Vì thế, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng các DTTS nhằm đảm bảo tính đa dạng, tính thống nhất, tính hài hòa và tính bền vững trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước luôn được Đảng, Nhà nước chăm lo, thực hiện.

Từ những chủ trương và chính sách cơ bản, toàn diện được thực hiện, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đảng và Nhà nước luôn chú trọng trong công tác xây dựng và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa trên khắp các địa bàn vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, Nhà nước cũng tăng cường việc huy động các nguồn lực để bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá đó.

Trong giai đoạn vừa qua, nhiều giá trị, di sản văn hóa các DTTS đã được nghiên cứu, tôn vinh là di sản văn hóa Quốc gia và của nhân loại. Đời sống văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện, nâng lên, làm phong phú hơn các giá trị văn hóa truyền thống. Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đã trở thành nhân tố thúc đẩy quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc, từng bước tạo nên diện mạo văn hóa mới đa dạng, phong phú và tiên tiến…

“Có thể khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Qua đó đã góp phần chấn hưng, quảng bá, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa các cộng đồng DTTS”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm nhấn mạnh.

Văn hoá các dân tộc thiểu số đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc

Bên cạnh những kết quả tích cực, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, văn hoá các DTTS ở nước ta cũng đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc, bị mai một, đặt ra những thách thức to lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị.

Có thể nhận diện một số thách thức, biến đổi như: Sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người. Quá trình tiếp biến văn hoá đã làm xuất hiện quan niệm, lối sống và nhiều yếu tố văn hóa lai căng, không lành mạnh trong các DTTS, đặc biệt là ở giới trẻ.

Yêu cầu giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các DTTS ngày càng trở nên cấp bách trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế; cùng với việc quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá trong quá trình hội nhập thì vấn đề kiến tạo sự gắn kết chặt chẽ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS với các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi cũng cần được đặt ra. Công tác thực hiện, đánh giá chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các DTTS còn nhiều hạn chế.

4 nhóm giải pháp lớn để bảo tồn phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số

Nhấn mạnh, Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã xác định nhiều quan điểm, chủ trương lớn, mang tính đột phá để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, trong đó việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu có tính đột phá, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm đã đề xuất 4 nhóm giải pháp lớn giải pháp cho bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các DTTS.

Thứ nhất là cần tiếp tục đổi mới nhận thức trong công tác hoạch định chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các DTTS. Chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực, chất lượng lập pháp của Quốc hội về văn hóa; xem văn hóa là mục tiêu, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá của quá trình phát triển.

Trong quá trình hoạch định chính sách cần xác định đúng các mục tiêu văn hóa cần đạt được và đánh giá đầy đủ tác động văn hóa trước khi ban hành các chính sách, pháp luật, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng, hoàn thiện các chính sách “phát triển văn hóa trong phát triển kinh tế và kinh tế trong phát triển văn hóa”, để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn các giá trị văn hóa tộc người.

Thứ hai là tiếp tục rà soát văn bản, thể chế hóa các chủ trương của Đảng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng DTTS.

Trong đó cần ưu tiên xây dựng Chiến lược tổng thể về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá các DTTS đặc sắc đến năm 2030, tầm nhìn 2045, từ đó có định hướng và căn cứ cho hoạch định và thực hiện.

Thứ ba là đổi mới công tác quản lý nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá DTTS. Nhà nước cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa vùng DTTS.

Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát một cách chủ động, thường xuyên công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS. Chủ động rà soát, kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS…

Cuối cùng, là đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS gắn kết với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS.

“Văn hoá của các dân tộc Việt Nam được coi là nguồn cội, là nguồn lực và sức mạnh mềm trong phát triển. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đồng bào các DTTS luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài được Đảng, Nhà nước đặt ra trong mọi thời kỳ. Trong bối cảnh hiện nay, đứng trước sự thay đổi của thời đại, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ, toàn diện và tiên tiến nhằm tiếp tục thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của đồng bào DTTS hiệu quả hơn nữa”.