BVR&MT – Liên quan vụ nước giếng ở Đồng Nai sau khi múc lên có thể cháy nếu được châm lửa, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, hiện cơ quan này đã có kết quả xét nghiệm mẫu nước giếng của một số hộ dân ở ấp Phú Lâm (xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).
Theo kết quả xét nghiệm, trong nước chứa hàm lượng xăng dầu lớn; ngoài ra mẫu nước còn bị nhiễm phenol (phenol là một chất hữu cơ, gây độc hại tới cơ thể con người thông qua tiêu hóa, hấp thụ da).
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, đối với hàm lượng phenol trong nước, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai chưa phân tích sâu được nên đã phải thuê một số đơn vị phân tích thêm. Hiện tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Công Thương Đồng Nai chủ trì, giải quyết sự việc này.
Liên quan đến sự việc này, ông Phan Văn Dân, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, người phát ngôn Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết ngày 1/6, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai đã đình chỉ hoạt động đối với cây xăng Nam Cát Tiên (nằm trên Quốc lộ 20, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú); chỉ đạo các điểm bán lẻ xăng dầu trên địa bàn huyện Tân Phú tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống chứa xăng dầu.
Riêng đối với cây xăng Nam Cát Tiên, chủ cây xăng phải tiến hành hút hết lượng xăng dầu trong bồn ra, đào sâu xuống (trong phạm vi cây xăng) để kiểm tra toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khắc phục việc thất thoát xăng dầu.
Hiện chủ cây xăng Nam Cát Tiên đã làm việc với chính quyền huyện Tân Phú, xem xét đền bù cho các hộ có nước giếng bị ô nhiễm. Nguyên nhân khiến nước giếng của các hộ dân bị ô nhiễm là do xăng dầu rò rỉ.
Trước đó, TTXVN đã phản ánh, từ đầu năm 2016, nước giếng đào của nhiều hộ dân tại ấp Phú Lâm, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, bắt đầu bị ô nhiễm. Ban đầu, nước giếng chuyển màu đục, bốc mùi hôi, tuy nhiên từ đầu tháng 5 đến nay, nước giếng ở đây nổi váng dầu, sau khi múc nước lên và châm lửa đốt thì cháy ngùn ngụt. Thực trạng này đã gây hoang mang cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, bệnh tật.
Theo Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn, hiện ở ấp Phú Lâm, xã Phú Sơn có khoảng 50 giếng nước của người dân nghi bị nhiễm xăng; trong số này có cả giếng đào sâu hơn 10m và giếng khoan với độ sâu hàng chục mét.
Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do rò rỉ bồn chứa xăng dầu tại các cây xăng trên địa bàn, xăng dầu thấm qua các mạch nước, thâm nhập vào giếng.
Cuối tháng 5, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã cử cán bộ chuyên môn xuống khu vực trên khảo sát, lấy 4 mẫu nước giếng đưa đi phân tích.