BVR&MT – Khoảng bốn tháng trở lại đây, giá hoa cúc liên tục giảm sâu, được đánh giá là “chạm đáy”, cùng với dịch bệnh hoành hành, khiến nhiều nhà nông tại Đà Lạt đành ngậm ngùi nhổ bỏ hàng loạt để lấy đất gieo trồng loại cây khác, hoặc xuống giống vụ mới.
Chúng tôi đến phường 11, vùng chuyên canh hoa cúc lớn nhất TP Đà Lạt và cảm nhận khung cảnh trầm buồn, khi những vườn hoa cúc đã bung nở, nhưng vẫn khoe sắc trong vườn, hoặc bị nhổ bỏ để gom tiêu hủy; một phần là do dịch bệnh và phần lớn là giá giảm sâu quá ngưỡng. Đã trưa, nhưng lão nông Nguyễn Văn Minh (tổ Tự Tạo 3, phường 11, TP Đà Lạt) vẫn chưa nghỉ. Những tưởng ông đang thu hoạch hoa cúc để kịp đóng hàng chuyển cho thương lái, nhưng không, ông đang gom những bó hoa cúc đã đóng vào bao ni-long chuẩn bị xuất đi để đổ bỏ. Ông gượng cười: “Mình đang thu hoạch và đóng hàng thì nhận được thông tin từ bạn hàng ở TP Hồ Chí Minh báo giá hoa sụt giảm, đừng chuyển xuống nữa kẻo lỗ chồng lỗ. Anh thấy đó, giờ đống hoa này phải gom tiêu hủy chứ biết làm gì”.
Theo ông Minh, cái “khó” của phần lớn nhà vườn nơi đây là “ăn giá sau”. Nông dân không làm chủ được giá bán, khi hàng đã được chuyển đến thương lái, họ mới nhận được thông tin về giá. Nhìn những bó hoa cúc chùm, cúc đóa bọc lưới tươi tắn sắc màu trong nắng trưa đành vứt bỏ, tôi cảm thấy chạnh lòng. Vụ mùa này năm ngoái, hơn ba sào (3.000m2) hoa cúc của gia đình ông Minh thu được hơn 120 triệu đồng, nay mất trắng. “Mình cũng đã xuống giống hơn 400m2 hoa cúc vụ Tết, với tình hình giá cả hiện nay, lo lắm. Nhưng biết làm sao, đành hồi hộp chờ đợi…”, ông Minh thổ lộ.
Trên cung đường vào tổ Tự Tạo 3, vườn hoa cúc của gia ông đình ông Điệp hơn hai sào, vườn gia đình ông Dưỡng hơn tám sào… cũng chung cảnh ngộ. Hoa không bán được, họ lại tốn thêm chi phí thuê nhân công nhổ bỏ. “Giá giảm sâu lắm, giảm 80% so với vụ này năm ngoái. Các anh đứng đây một lát thì thấy xe chở hoa đi đổ, tiếc lắm. Nhiều hộ vớt vát bằng cách thêm nhiều cành vào bó hoa, lựa những cành đẹp để mong được “trôi” hàng, thêm đồng nào hay đồng đó”, ông Nguyễn Dưỡng cho biết.
Hiện hoa cúc chùm có giá từ một đến hai nghìn đồng/bó (5 cành), cúc đóa bọc lưới giá chỉ 4.000 đồng/bó (10 cành), thấp hơn từ 70 đến 80% so giá cùng kỳ vụ mùa năm ngoái. Trong khi để hòa vốn, nhiều nhà nông cho biết, cúc chùm phải có giá khoảng 7.500đ/bó và cúc đóa khoảng 20.000đ/bó.
Theo tính toán của nhà nông nơi đây, để canh tác một sào (1.000m2) hoa cúc, phải đầu tư từ 25 đến 30 triệu đồng, gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền điện… chưa tính công chăm sóc trong vòng ba tháng rưỡi. Đến thời điểm thu hoạch đưa đến tay thương lái, còn thêm tiền công thu hoạch, tiền đóng gói, cước vận chuyển. “Với giá hiện nay, nếu lấy bình quân 1.500đ/bó cúc chùm, năm cành; mỗi thùng đóng 150 bó, thì có giá chỉ 225.000đ/thùng. Trừ tiền bao ni lông bó hoa, thùng giấy, cước vận chuyển và chi phí hơn ba tháng chăm sóc thì lỗ nặng”, ông Minh phân tích.
Có thời điểm, giá hoa cúc chùm lên đến mười bốn, mười lăm nghìn đồng một bó; hoa cúc đóa bọc lưới 35 đến 40 nghìn đồng. “Hoa cúc đã giúp những nhà nông nơi đây có cuộc sống ổn định. Nhưng khoảng bốn tháng nay, giá hoa giảm sâu. Với mức giá này, cùng tình trạng dịch bệnh chiếm một phần, nên nhà nông đành nhổ bỏ. Chúng tôi đang xây dựng phương án, khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp. Và mong rằng, thành phố cùng cơ quan chức năng giúp bà con tìm đầu ra ổn định”, Chủ tịch Hội Nông dân phường 11, TP Đà Lạt Hoàng Bá Bình cho biết.
TP Đà Lạt có hai vùng “chuyên canh” hoa cúc lớn, gồm phường 12, hơn 70 ha và phường 11, hơn 100 ha. Theo thống kê, vụ hoa Tết năm nay, diện tích trồng hoa cúc trên xứ ngàn hoa Đà Lạt lên đến 544 ha. Với giá cả như hiện nay, bà con nông dân đang trong tình trạng lo âu, hồi hộp, khi Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần.