Du lịch đại trà, giá rẻ làm cạn kiệt tài nguyên Cù Lao Chàm

BVR&MT – Du lịch Cù Lao Chàm đang phát triển chệch hướng, thiếu bền vững. Với hình thức phát triển du lịch “đại trà”, khai thác, sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên có sẵn đã tạo ra nhiều thách thức đối với tài nguyên, môi trường xã đảo.

Nhiều công trình xây dựng trên đảo gây tác hại đến môi trường Cù Lao Chàm.

 

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý khi phát biểu tại Hội thảo bảo tồn và phát triển bền vững Cù Lao Chàm vừa diễn ra tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Áp lực từ phát triển du lịch “nóng”

Bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, với giá những gia trị nổi trội cả về thiên nhiên và văn hóa, Cù Lao Chàm sớm trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Du lịch Cù Lao Chàm phát triển đã mở ra cơ hội việc làm và thu nhập cho cư dân địa phương. Kinh tế xã đảo cũng có những bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây.

Bên cạnh tín hiệu tích cực, thì việc phát triển dịch vụ du lịch nhanh chóng, số lượng du khách đến đảo ngày càng lớn và không ngừng gia tăng đã và đang tác động bất lợi đến nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của đảo Cù Lao Chàm. Theo thống kê, nếu như năm 2008 có khoảng hơn 10.000 lượt khách đến đảo thì đến nay con số này tăng lên 400.000 lượt/năm.

Theo bà Thúy, từ năm 2008, UBND tỉnh đã có định hướng phát triển cho Cù Lao Chàm với mục tiêu “Đến năm 2020, quần đảo Cù Lao Chàm trở thành trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển du lịch sinh thái bền vững”. Tuy nhiên, trên thực tế do tốc độ phát triển du lịch nhanh và tổ chức quản lý không theo kịp quá trình phát triển nên đã làm chệch hướng du lịch Cù Lao Chàm.

Sự bùng phát về số lượng du khách khiến nhu cầu ăn uống, tham quan, vui chơi giải trí tăng. Đây là nguyên nhân gián tiếp làm cạn kiệt nguồn lợi hải sản, diện tích rạn san hô, thảm cỏ biển ngày càng bị thu hẹp. Kết quả khảo sát 2016 cho thấy, diện tích thảm cỏ biển khu vực Cù Lao Chàm giảm 66% so với năm 2008, hiện chỉ còn khoảng 17 ha. Nguyên nhân là do hoạt động của các ca nô tại Bãi Ông gây xáo trộn trầm tích, làm chết 20 ha thảm cỏ biển tại khu vực này.

“Từ năm 2007 đến nay, việc phát triển các công trình, cải tạo các tuyến giao thông trên đảo đã làm mất đi 102 ha rừng đặc dụng, gia tăng quá trình sói lở đất trên sườn núi, vật liệu xây dựng đưa xuống bãi biển làm suy thoái môi trường nước, ảnh hưởng tới rạn san hô. Các hoạt động du lịch như ca nô hoạt động ngay trên thảm cỏ biển, nước thải chưa qua xử lý tại các nhà hàng ven biển,… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm”, bà Thúy phân tích.

Giám đốc Sở KHCN tỉnh Quảng Nam Phạm Viết Tích, người có nhiều năm gắn bó với Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết ông rất xót xa khi thấy hệ sinh thái Cù Lao Chàm bị hủy hoại do xây dựng nhiều công trình nhưng thiếu đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác hại của công trình đối với hệ sinh thái.

Ông Tích dẫn chứng, năm 2006 việc xây dựng đường từ Bãi Ông sang Bãi Bắc đã làm loang lổ, phá hủy hệ sinh thái, khiến rạn san hô ở khu vực này gần như chết hết. Hay việc xây dựng con đường vòng quanh đảo thời gian qua đã làm mất rừng, chia cắt sinh cảnh sống của loài cua đá. Vào mùa mưa đất đá bị rửa trôi xuống biển, tiếp tục phá hủy môi trường, làm suy giảm san hô.

“Tôi không phản đối việc xây dựng các công trình phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội trên đảo, tuy nhiên trong quá trình triển khai, chủ đầu tư cần có sự cân nhắc đến tác động môi trường, làm sao để bảo vệ cảnh quan sinh thái của Cù Lao Chàm. Bởi nếu để mất đi rất khó để phục hồi. Khi rạn san hô bị mất và phục hồi lại được phải mất 100 năm sau và không có tác động nào khác”, ông Tích trăn trở.

Ngoài ra, các công trình xây dựng quanh đảo còn tác hại nhiều vấn đề khác như làm cho bãi biển không còn hoang sơ và không còn yên tĩnh. Loài rùa không còn bãi đẻ phải tìm đến nơi khác.

Mộc góc đảo Cù Lao Chàm. Ảnh: Thế Phong

 

Hướng đến du lịch có chất lượng

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng không có sự phát triển nào không có thách thức và đánh đổi, nhưng chúng ta phải chọn lựa cách đánh đổi thấp nhất mà cộng đồng cư dân địa phương được hưởng lợi nhiều nhất và phát triển bền vững Cù Lao Chàm. Theo ông, du lịch sinh thái đúng nghĩa là phải biết nương tựa vào thiên nhiên, đây là điểm nhấn của du lịch Cù Lao Chàm chứ không nhất thiết phải nhà cao cửa rộng, không phải cứ công trình khách sạn 5 sao mà du khách tìm đến.

“Chúng ta hãy nương tựa với thiên nhiên, đối thoại với thiên nhiên, đừng xâm hại nó, cùng tồn tại và phát triển đây mới cách làm bền vững. Xây dựng bất kỳ một công trình nào trên đảo Cù Lao Chàm phải đánh giá tác động môi trường. Đây là luật bắt buộc nhằm giữ gìn hòn xã đảo này. Đồng thời, phải biết chọn lựa khách, một người tiêu 5 đồng còn hơn 5 người tiêu 5 đồng”, ông Nguyễn Sự nói.

Theo ông Phạm Viết Tích, du khác đến đảo đông, nhu cầu hải sản tăng, cua cá không có thời gian để phục hồi, cạn kiệt nguồn lợi đây là vấn đề đang xảy ra. Do vậy, tôi đề nghị các cơ quan liên quan phải cân đối nguồn tài nguyên để phát triển, hạn chế số lượng du khách đến Cù Lao Chàm, hạn chế du lịch giá rẻ, qua đó giảm áp lực đến tài nguyên, môi trường.

Qua phân tích điểm mạnh, điểm yếu của Chù Lao Chàm, chuyên gia Trần Lê Trà (Tổ chức GIZ) cho rằng du lịch sinh thái là hướng đi bền vững cho bảo tồn và phát triển bền vững Chù Lao Chàm. Do vậy, địa phương cần tính toán giảm số lượng khách, nhưng tăng chất lượng du lịch, tăng thu nhập. Hướng tới đối tượng khách có thu nhập cao, thực sự có mong muốn thưởng ngoạn thiên nhiên trên đảo.

Bên cạnh đó, xem xét mô hình tư nhân đầu tư, người dân địa phương tham gia vào chuỗi gia trị du lịch, khu bảo tồn thiên nhiên và chính quyền hỗ trợ. Chú trọng đào tạo nguồn nhân nhân lực, thiết kế các sản phẩm du lịch mang “tính sinh thái”. Nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú (sạch sẽ, thân thiện, tiện lợi – không mở rộng về quy mô). Đảm bảo an ninh, kiểm soát tệ nạn xã hội. Xây dựng quy định, quy chế để quản lý. Tăng cường quy hoạch, kiểm tra, giám sát các hoạt động trên đảo.

Ô Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, để Cù Lao Chàm phát triển bền vững, cùng với mặt quản lý nhà nước, rất cần tính tự giác, cam kết của cộng đồng khai thác du lịch trên đảo để cùng nhau hưởng lợi. Có rất nhiều việc phải làm nhưng trước mắt là phải xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Cù Lao Chàm, trong đó quy định về quản lý kiến trúc, công trình xây dựng trên đảo, nếu không có thì rất khó.

“Hiện có hơn 2.200 người sinh sống cộng với khoảng 3.000 khách trên đảo mỗi ngày, đây là áp lực đối với Cù Lao Chàm. Tôi đồng ý với ý kiến của nhiều chuyên gia là nâng cao chất lượng du lịch Cù Lao Chàm. Toàn bộ giá trị về thiên nhiên và văn hóa Cù Lao Chàm hoàn toàn có thể xây dựng được những sản phẩm du lịch chất lượng cao, tăng thu thu nhập cho những người làm du lịch bao gồm người dân trên đảo, đồng thời công tác quản lý, bảo vệ môi trường sẽ tốt hơn so với hình thức khai thác như hiện nay”, ông Thanh khẳng định.

 Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, Quảng Nam) có khoảng 1.549 ha rừng tự nhiên, 6.716 ha mặt nước. Từ năm 2003, khu vực này được chọn để xây dựng thành khu bảo tồn biển lớn thứ 2 của cả nước. Nơi đây có nhiều hệ sinh thái quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển, thảm rong biển, hệ sinh thái rừng xanh nhiệt đới với nhiều giá trị nổi vật về đa dạng sinh học.  Bên cạnh hệ sinh thái phong phú, Cù Lao Chàm còn ẩn chứa trong mình các nền văn hóa từ xưa để lại như Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt. Với giá những giá trị nổi trội cả về thiên nhiên và văn hóa, tháng 5/2009, UNESCO công nhận Cù Lao Chàm – Hội An là khu dự trữ sinh quyển thế giới.