Động vật xương sống toàn cầu giảm 60% trong vòng hơn 40 năm

BVR&MT – Số lượng các loài cá, chim, động vật có vú, động vật lưỡng cư và bò sát đã giảm trung bình 60% từ năm 1970 – 2014.

Trong vòng 50 năm, diện tích rừng Amazon biến mất 20%, còn trái đất mất đi khoảng một nửa rạn san hô tại vùng nước nông trong 30 năm qua.

Hai loài, tê giác trắng và voi châu Phi đang bị sụt giảm quần thể nghiêm trọng do bị săn bắt để lấy ngà voi và sừng. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ chính hai sản phẩm này.

Đặc biệt, Việt Nam cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng về mất mát các loài hoang dã của chính mình mà phần lớn là do nạn săn trộm quy mô lớn bằng cách sử dụng bẫy.

Tê giác bị giết ở Vườn quốc gia Kruger, Nam Phi. (Ảnh: EPA)

Yếu tố chính gây ra sự mất mát về đa dạng sinh học hiện nay là do khai thác quá mức tài nguyên và canh tác nông nghiệp.

Trên đây là những cảnh báo quan trọng nhất của Báo cáo Hành tinh Sống 2018 vừa được Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) công bố.

Cũng theo WWF, trên toàn cầu, ước tính hàng năm thiên nhiên cung cấp những dịch vụ trị giá 125 nghìn tỷ đô la, chưa kể tới nguồn không khí và nước sạch, thực phẩm, năng lượng, thuốc và các sản phẩm và nguyên liệu khác. Tuy nhiên, thiên nhiên ngày càng bị con người tận diệt và khai thác kiệt quệ.

WWF kêu gọi cộng đồng quốc tế huy động nguồn lực và đưa ra một khung thỏa thuận toàn diện cho con người và thiên nhiên trong khuôn khổ thực hiện CBD – một công ước nhằm thúc đẩy các hành động về bảo vệ và phục hồi thiên nhiên, đa dạng sinh học trên toàn cầu, đồng thời thay đổi xu hướng suy thoái đang diễn ra.

Báo cáo Hành tinh Sống 2018 là ấn phẩm thứ 12 của WWF, phát hành hai năm một lần. Chỉ số Hành tinh sống của báo cáo lần này theo dõi xu hướng phát triển quần thể của 4.005 loài động vật có xương sống từ 1970 tới 2014.

PV