BVR&MT – Đồng Nai có diện tích gần 6.000 km², là khu vực kinh tế trọng điểm của Đông Nam Bộ. Theo chiều dài lịch sử từ lúc hình thành đến nay, vùng đất này sở hữu những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và những khu rừng địa linh mà vẻ đẹp và sự huyền bí của chúng vẫn chưa được khai phá hết.
Lịch sử hình thành
Theo chiều dài của lịch sử, từ khi hình thành và phát triển tỉnh Đồng Nai đến bây giờ đã hơn 300 năm. Năm 1698 chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đồng Nai (lúc này, từ Đồng Nai hay vùng đất Đồng Nai là ám chỉ toàn bộ vùng đất Nam Bộ rộng lớn) và đặt thành phủ Gia Định và chia làm 2 huyện, dựng dinh Trấn Biên (Đồng Nai) và Phiên Trấn (Sài Gòn). Năm 1802 dinh Trấn Biên được vua Gia Long đổi tên thành trấn Biên Hòa, phải đến năm 1836 vua Minh Mạng mới đổi tên trấn Biên Hòa thành trấn Biên Hòa.
Thời kì Pháp thuộc, tỉnh Biên Hòa được chia thành 3 tỉnh gồm Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Bà Rịa, sau đó đến thời kì Việt Nam cộng hòa thì lại được đổi tên thành Long Khánh, Phước Tuy và Biên Hòa. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, 3 tỉnh của Biên Hòa được hợp lại thành tỉnh Đồng Nai và có thành phố là Biên Hòa.
Những di tích lịch sử – dấu son của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc
Cụm di tích chiến thắng La Ngà kéo dài 9km đi qua xã Phú Ngọc, Ngọc Định và Phú Hiệp, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Thời kháng chiến chống Pháp nơi đây chỉ là rừng già nguyên sinh và vực sâu, và đây cũng để lại tiếng vang lớn trong trận đánh La Ngà gây cho quân Pháp nhiều tổn thất, cụ thể tiêu diệt đoàn xe quân sự của Pháp gồm 59 chiếc, 150 tên địch trong đó có nhiều sĩ quan cấp cao, chiến thắng La Ngà đã gây được tiếng vang lớn trong nước và quốc tế, quốc hội Pháp phải chất vấn các sĩ quan vì trận thua đó.
Chiến khu Đ tiếp giáp 3 tỉnh gồm Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước, đây là căn cứ kháng chiến lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ, nơi các cơ quan đầu não của ta hoạt động. Thời kì kháng chiến chống Pháp, chiến khu Đ chỉ tập trung tại tỉnh Bình Dương, sang kháng chiến chống Mỹ do tình hình cấp bách của chiến trường miền Nam, Trung ương đã có chỉ thị mở rộng căn cứ chiến khu Đ để kịp thời chỉ huy và đưa ra các chỉ thị đúng lúc.
Chiến khu Đ tại Đồng Nai nằm trên đồi núi cao, hiểm trở dễ tấn công và phòng thủ chắc chắn, rừng cây rậm rạp là điều kiện tốt để bộ đội của ta dễ dàng triển khai lối đánh du kích. Các trận đánh đi vào lịch sử của chiến khu Đ Đồng Nai như Đồng Xoài, Bàu Sắn, Phước Thành, Bình Giã…đã cho đế quốc Mỹ nhiều lần khiếp sợ. Chiến khu Đ ở Đồng Nai chỉ hoạt động được trong 2 năm 1961 – 1962, do tính chất càn quét của đế quốc Mỹ quá lớn nên TW cục Miền Nam giải tán và chuyển sang địa điểm khác để dễ hoạt động.
Địa đạo Nhơn Trạch là căn cứ huyện ủy Nhơn Trạch trước kia thuộc xã Phước An nay thuộc xã Long Thọ, thực hiện phong trào bám trụ chiến đấu chống Mỹ, huyện ủy Nhơn Trạch đã cho đào địa đạo và xã Phước An được chọn là nơi khởi công đầu tiên, vì xã Phước An có rừng tre dày đặc công với rừng núi xung quanh nên dễ hoạt động, địa đạo được đào vào đúng kỷ niệm 73 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1963. Địa đạo Nhơn Trạch rộng 18.200 m2 bao gồm địa đạo, tam giác trung tâm chỉ huy, nhà bảo vệ, hào chiến đấu, bếp Hoàng cầm… Từ ngày 19/5/1963 đến cuối năm 1964 địa đạo đã dài hơn 1.500.000m gồm nhiều ngõ ngách và hầm bí mật. Năm 1972, nơi đây là căn cứ của 500 chiến sĩ Đoàn 10 Rừng Sác, nơi xuất phát đánh địch ở hướng song Lô Tàu, kho bom Thành Tuy Hạ… gây ra nhiều tổn thất cho địch.
Tháng 7 năm 1965, đội du kích Phước An bám trụ chiến đấu đánh địch buộc chúng rút lui và tiêu diệt được 67 tên địch, 30 tên bị thương trong đó có 4 cố vấn Mỹ. Tháng 03/1970, Mỹ huy động nhiều tăng thiết giáp nhằm tiêu diệt địa đạo nhưng chúng phải nhận thất bại khi bộ đội của ta đã tiêu diệt 43 xe tăng, xe ủi bị bốc cháy, 20 máy bay bị bắn rơi và tiêu diệt hàng trăm tên địch.
Vũ Nhân