BVR&MT – Tỉnh Đồng Nai đang định hình lại phân khúc thị trường du lịch, hướng tới xây dựng những sản phẩm xứng tầm, phát huy được lợi thế, tạo sự bứt phá cho ngành du lịch. Trong đó, du lịch sinh thái rừng là sản phẩm hứa hẹn được nhiều du khách đón nhận.
Vừa qua đề án Du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng, giải trí (đề án) của Ban quản lý Rừng phòng hộ Tân Phú, giai đoạn 2021-2030, đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, với mục đích khai thác, bảo tồn và phát huy những giá trị tài nguyên rừng
Phát huy nguồn lợi và giá trị tài nguyên rừng
Theo đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, tên gọi Khu du lịch Thác Mai – Bàu nước sôi có tổng diện tích trên 18.000 ha, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cùng hệ sinh thái đa dạng. Trong đó đặc biệt là Bàu nước sôi tự nhiên, nhiệt độ quanh năm từ 50-60 độ C, có tác dụng rất tốt cho việc thư giãn và phục hồi sức khoẻ.
Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, rừng phòng hộ Tân Phú mang đặc thù của nhiều sinh thái rừng như: Hệ sinh thái rừng kín thường xanh cây lá rộng, hệ sinh thái rừng tre nứa, rừng thứ sinh hỗn giao tre nứa với cây lá rộng, trảng cỏ, cây bụi. Trong rừng có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Bàu nước sôi, quần thể đá tại khu vực thác Mai, thác Chín Chì, Hang Dơi và nhiều điểm thác, sông, suối…
“Khu vực rừng phòng hộ Tân Phú còn có hệ thống sông La Ngà chảy gấp khúc, quanh co với nhiều ghềnh đá tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ, đặc biệt khi du khách đi qua khu vực cầu La Ngà sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp sông nước từ làng bè nằm trải dài hai bên sông hàng km ngay dưới chân cầu, đây là nơi hàng trăm hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi cá bè nên có tiềm năng rất lớn để phát triển sản phẩm du lịch”, ông Gọi cho biết thêm.
Phát triển du lịch hướng tới cộng đồng dân cư
Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được thực hiện trong giai đoạn 2023-2030, đây là dự án tạo tiền đề cho những dự án phát triển du lịch sinh thái rừng được khởi sắc trong thời gian tới. Nguồn vốn đầu tư đề án gần 2,8 ngàn tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Đề án hướng đến mục tiêu thu hút 330 ngàn lượt khách/năm vào năm 2025, doanh thu du lịch đạt khoảng 176 tỷ đồng/năm. Đến năm 2030, thu hút 730 lượt khách/năm, doanh thu 460 tỷ đồng/năm.
Với đặc thù là vùng có nhiều đồng bào dân tộc địa phương đang sinh sống còn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống trong kiến trúc nhà cửa, sản xuất và phong tục, tập quán… do đó, Đề án du lịch còn hướng đến nhiều giá trị, lợi ích về kinh tế, văn hóa, như: Tạo việc làm cho từ 1.000-2.000 lao động địa phương và lân cận, dự án chú trọng phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, tạo điều kiện, hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương phát triển hạ tầng tại các khu vực có tiềm năng, đồng thời huy động và sử dụng các sản phẩm do cộng đồng sản xuất trong phát triển du lịch.
Các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo đề án đưa ra sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục cho người dân địa phương và du khách các giá trị tự nhiên, lịch sử – văn hóa của địa phương. Từ đó, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, giảm thiểu tác động của người dân ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên cho biết, theo kế hoạch của đề án, sẽ có 13 điểm với 8 tuyến du lịch được hình thành đi qua các điểm trên. Trong đó, huyện Định Quán có 10 điểm với tổng diện tích 486 ha, diện tích xây dựng dự kiến tại các điểm gần 40ha và huyện Tân Phú có 3 điểm với tổng diện tích trên 2,1ha.
Huyện vừa tạm ứng vốn từ ngân sách tỉnh để thực hiện kiểm kê tài sản, hỗ trợ hơn 30 hộ dân di dời ra khỏi khu vực quy hoạch để thực hiện đề án. Huyện sẽ hoàn thành công tác hỗ trợ di dời nhanh để có mặt bằng mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng vào khai thác du lịch để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.