BVR&MT – Diện tích băng bao phủ vùng biển xung quanh Nam Cực tiếp tục giảm xuống một mức thấp kỷ lục sau nhiều năm liên tục mở rộng trong khi các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cơ chế gây ra sự biến đổi này.
Cơ quan về Nam Cực của Australia (AAD) cho biết theo những số liệu vệ tinh mới nhất, trong tháng 2 vừa qua, băng đã bao phủ tổng cộng 2,15 triệu km2 mặt biển, đây là con số thấp thứ 2 từng ghi nhận trong mùa Hè và chỉ cao hơn kỷ lục hồi tháng 3/2017 khi diện tích băng bao phủ là 2,07 triệu km2.
Năm 2017 cũng là năm diện tích băng bao phủ mặt biển quanh Nam Cực trong mùa Đông ở mức thấp gần kỷ lục, 18,05 triệu km2. Kể từ tháng 8/2016, diện tích bao phủ băng liên tục thấp hơn mức trung bình trong khi trước đó, con số này liên tục ghi nhận mức cao kỷ lục vào mùa Đông các năm 2012, 2013 và 2014.
Nhà nghiên cứu Phil Reid của Cục Khí tượng học Nam Cực cho rằng biến đổi này là một sự chuyển hướng rõ ràng so với xu hướng bành trướng trước đây với việc diện tích bao phủ băng tăng thêm 1,7% mỗi thập kỷ tính từ năm 1979.
Nhà khoa học Rob Massom thuộc AAD cho biết các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng xác định yếu tố nào đang gây ra các thay đổi trên cũng như sự biến đổi trong diện tích bao phủ băng trên biển ở Nam cực nhằm mục tiêu ưu tiên là tìm hiểu tiến trình này.
Theo ông, sự bao phủ băng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong cả hệ thống khí hậu toàn cầu cũng như môi trường sống chính cho một số lượng lớn loài sinh vật. Ngoài ra, tình hình băng trên biển cũng có ảnh hưởng lớn đến hoạt động tàu bè, đi lại.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh hồi đầu tuần các nhà khoa học thông báo Bắc Cực đang trải qua mức nhiệt cao chưa từng có và diện tích băng bao phủ biển xung quanh Bắc Cực cũng đang ở mức thấp nhất từng ghi nhận trong mùa Đông hơn nửa thế kỷ qua.