Đằng sau mô hình thu gom và xử lý chất thải rắn ở Pune

BVR&MT – Gắn với nhiệm vụ thu gom và xử lý chất thải rắn nhưng điều mà SWaCH (Solid Waste Collection and Handling) hướng đến trước tiên là cải thiện cuộc sống cho những người nghèo kiếm sống bằng nghề chôn lấp rác thải ở thành phố Pune thuộc miền Tây Ấn Độ.

SWaCH là hợp tác xã tự chủ đầu tiên của những người thu gom rác thải ở Ấn Độ với lực lượng nhân công lên đến hơn 3.000 người, toàn bộ là nữ và trong số này có tới 80% đến từ tầng lớp không có tiếng nói trong xã hội.

Thông qua một thỏa thuận với Tổng công ty thành phố Pune (PMC), SWaCH giúp hơn 3.000 công nhân nữ cung cấp dịch vụ thu gom rác thải tận nhà cho hơn 600.000 ngôi nhà trong thành phố, tái chế hơn 50.000 tấn chất thải mỗi năm.

Thay vì chôn lấp toàn bộ rác như trước kia, SWaCH phân loại thành các nhóm có thể tái chế như giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh hoặc rác thải ướt, đặc biệt các loại rác thải ướt sẽ được sử dụng để sản xuất ra một loại phân bón tự nhiên có giá trị. Điều đáng mừng là hợp tác xã này cũng đang khuyến khích một mô hình xử lý chất thải mới và bền vững hơn.

Tác động môi trường từ các hoạt động của SWaCH là rất đáng kể. Đơn vị này ước tính trong một năm, hành động tái chế giấy từ những rác thải thu lượm được giúp ngăn chặn việc chặt phá hơn 350.000 cây xanh, tương đương với sự ngăn cản quá trình giải phóng hơn 130.000 tấn CO2 vào khí quyển.

Công nhân SWaCH đang thu gom, phân loại rác.

Mặc dù việc phân loại chất thải ở Pune là bắt buộc nhưng không phải tất cả các hộ gia đình đều tuân thủ, lý do đơn giản là họ không dành thời gian để phân loại rác. Điều này làm cho những nỗ lực trong sáng kiến SWaCH trở nên quan trọng hơn và đối với Pune thì lại càng ý nghĩa vì thành phố này có đến hơn 1,2 triệu người (tức gần 1/3 dân số) sống trong các khu ổ chuột, nơi có rất ít hoặc không có dịch vụ quản lý rác thải. SWaCH là một trong những sáng kiến ​​đầu tiên ở Ấn Độ với mục đích mở rộng phạm vi việc thu gom rác tới từng hộ gia đình cho đến những khu vực nghèo khó này.

Manh nha từ năm 1993, SWaCH được hình thành từ một liên minh thương mại của những người nhặt rác và người thu mua rác từ khắp nơi trong thành phố. Tuy nhiên, phải đến năm 2005, cái tên SWaCH mới chính thức ra đời với mô hình Hợp tác công tư vì người nghèo, một Hợp tác xã do người lao động làm chủ với nhiệm vụ chuyên thu gom, phân loại rác.

Số thành viên cũng dần phát triển từ đó. Mỗi cá nhân khi tham gia đều nộp một khoản phí hàng năm cho tổ chức và một khoản tiền bằng nhau sẽ được trích ra để đóng bảo hiểm nhân thọ cho mọi người. Đổi lại, họ được PMC cấp chứng minh thư nhân dân và có thể tận dụng tấm thẻ này để hưởng một số quyền lợi như vay vốn không lãi suất hoặc con cái được hỗ trợ về mặt giáo dục.

Đặc biệt, điều ý nghĩa nhất mà SWaCH mang lại là góp phần nâng cao vị thế của những người thu gom rác. Ở Ấn Độ, những người làm công việc gom nhặt rác thải thường bị nhìn nhận là giai cấp có cấp bậc thấp nhất trong xã hội, vai trò và tiếng nói của họ hiếm khi được thừa nhận hoặc tôn trọng. Thêm nữa, nguồn sinh kế nhỏ bé từ việc nhặt rác của họ cũng thường bị đe dọa bởi hoạt động của các công ty tư nhân đi thu rác. Tuy nhiên, khi tham gia SWaCH, họ trở thành những công nhân tự chủ của thành phố và việc gom rác của họ cũng từ bất hợp pháp trở thành hợp pháp, đem lại nguồn sinh kế ổn định cho gia đình.

Xa hơn, công việc mà họ đang đảm trách có thể còn là đầu vào rất tốt cho các ngành công nghiệp sản xuất và điều này một lần nữa khẳng định vai trò không thể thiếu của những người công nhân thu lượm rác trong chuỗi cung ứng vật liệu cho ngành công nghiệp, thậm chí sự đóng góp của họ có thể ảnh hưởng tới năng suất cũng như thu nhập quốc gia.

Không dừng lại ở đó, Pune còn là một trong những thành phố đầu tiên của Ấn Độ xác nhận thẻ nhận dạng hình ảnh cho người thu rác và mua rác để việc gom rác tái chế của họ diễn ra thuận lợi và không thể phủ nhận tấm thẻ ấy đã đem lại cho họ sự tôn trọng cũng như bản sắc rất riêng.

Với những thành quả mang lại cho người nghèo và môi trường của thành phố, SWaCH chính thức được Bộ Phát triển Đô thị và Bộ Nước uống và Vệ sinh vinh danh bằng một giải thưởng vào năm 2016.

Thanh Hoa (Theo Worldenvironmentday.global)