“Than đá sạch” tại Trung Quốc liệu có khả thi?

BVR&MT – Xưa nay, phương Tây vốn được coi là nơi tiên phong trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, trong khi các nước đang phát triển bị gắn mác “lạc hậu”. Thế nhưng, quan điểm này đang dần thay đổi kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris, cùng lúc Trung Quốc tái khẳng định cam kết của quốc gia này đối với Hiệp định.

Nhà máy than đá tại TP. Đan Đông. (Ảnh: Azchael/Flickr.com)

Liệu Trung Quốc có thể trở thành quốc gia lãnh đạo môi trường toàn cầu? Mặc dù nhiều tờ báo lớn như New York Times hay National Geographic đã đưa ra nhiều phân tích cho rằng Trung Quốc có khả năng lãnh đạo cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, quốc gia này khó có thể bù lấp được khoảng trống mà Mỹ để lại. Bởi lẽ, những yêu cầu của chính quyền trung ương Trung Quốc và những gì thực sự đang triển khai ở các địa phương vẫn còn một khoảng cách.

Bắc Kinh đã đầu tư khá nhiều nguồn lực chính trị và kinh tế vào các sáng kiến môi trường nhằm giảm bớt mối lo ngại của cộng đồng về vấn đề ô nhiễm, đồng thời gây ấn tượng với thế giới. Chẳng hạn, ngành năng lượng cùng ngành sản xuất hàng hóa, đóng góp tới hơn 80% tổng phát thải carbon toàn quốc, nay đang chuyển đổi một cách chóng mặt với nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió và quang năng) khoảng 153 TWh vào năm 2016, gần tương đương với sản lượng điện năng tái tạo của Đức (186 TWh).

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán, than đá sẽ tiếp tục là nguồn năng lượng chính của Trung Quốc ít nhất cho tới năm 2040, và lượng điện tiêu thụ tại Đông Nam Á dự kiến sẽ gia tăng. Trung Quốc sẽ vẫn là quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới.

“Xanh hóa” điện than

Nỗ lực “xanh hóa” điện than – nguồn năng lượng chính của quốc gia – là một phần quan trọng trong cuộc đua môi trường mới tại Trung Quốc. Bắc Kinh đã đặt ra tiêu chuẩn phát thải và hiệu xuất năng lượng đối với các nhà máy điện than cao hơn cả Liên minh châu Âu và Mỹ: 50 mg nitrogen oxide/m3. Tiêu chuẩn này tại Mỹ là 95 mg/m3 và tại châu Âu là 150 mg/m3.

Công nghệ sản xuất điện than siêu tới hạn dự kiến cũng sẽ giúp các nhà máy điện than đạt tới các tiêu chuẩn khắt khe hơn. Những nhà máy này đốt than ở nhiệt độ cao hơn rất nhiều (760oC) và áp suất bên trong cũng cao hơn (hơn 2.000kg/inch vuông) so với các nhà máy truyền thống, từ đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất điện. Theo một báo cáo mới đây của Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ (CAP), Bắc Kinh đã vượt qua Washington với hơn 90% trong số 100 nhà máy điện than hiệu quả nhất của Trung Quốc được trang bị các công nghệ siêu tới hạn, so với 0,76% tại Mỹ.

Bắc Kinh hiện cũng đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhằm tăng cường hiệu quả như công nghệ nghiền vụn than hay bộ phận chưng cất hóa lỏng quy mô lớn. Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hóa chất từ than bằng cách đầu tư vào các công nghệ nhiệt phân, khí hóa than, thu thập và tích trữ carbon (CCS). Công nghệ CCS có khả năng tích trữ tới 90% carbon phát thải từ quá trình sản xuất điện và quy trình công nghiệp trong các hồ chứa địa chất như các khu vực khai thác dầu, khí nhiên liệu đã cạn kiệt hay những vỉa than không thể khai thác được. Rất may, công nghệ CCS dễ dàng áp dụng vào một nhà máy siêu tới hạn hơn các nhà máy khác.

Khác biệt giữa các khu vực

Nỗ lực “xanh hóa” điện than của Trung Quốc rõ ràng đã tiến xa so với Mỹ. Thế nhưng, Bắc Kinh vẫn chưa thể trở thành mô hình tiêu biểu về năng lượng sạch toàn cầu, chủ yếu bởi còn tồn tại nhiều khác biệt giữa các khu vực, giữa các địa phương về phát triển năng lượng và phát thải carbon.

Nhìn chung, Trung Quốc hoàn toàn có đủ điều kiện về mặt kinh tế, địa chất và chính trị để lèo lái chính sách năng lượng quốc gia theo hướng sạch hơn. Thế nhưng, cách tiếp cận từ trên xuống của chính phủ bằng cách áp đặt các chỉ tiêu phát thải và tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng mang nhiều khiếm khuyết bởi nhiều nhà máy cũng như địa phương sẽ không tuân theo.

Chẳng hạn, cần thêm tới 20-30% chi phí ban đầu để lắp đặt các công nghệ siêu tới hạn, hiệu quả cao và giảm phát thải (gọi tắt là HELE). Trong khi các nhà máy lớn với trợ cấp từ chính phủ có thể đáp ứng được chi phí, các nhà máy nhỏ hơn – chiếm tới 48% tổng số nhà máy nhiệt điện tại Trung Quốc – lại coi đây là một gánh nặng. Bên cạnh đó, vẫn còn chênh lệch hiệu quả sản xuất năng lượng khá lớn giữa các tỉnh kém phát triển hơn như Nội Mông và Ninh Hạ so với các khu vực ven biển. Nhiều khu vực ô nhiễm vẫn gặp thế khó xử giữa mục tiêu môi trường và đáp ứng nhu cầu phát triển và việc làm cho người dân địa phương.

Vẫn còn hy vọng cho than đá

Mặc dù còn nhiều hạn chế, Trung Quốc vẫn mang lại niềm hy vọng rằng con đường hướng tới bền vững không nhất thiết phải thay thế than đá bằng năng lượng tái tạo.

Tương tự như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang dần chuyển dịch thành công theo hướng năng lượng sạch dù vẫn tiếp tục phụ thuộc tới 72% nguồn điện từ than đá. Để có thể cung cấp điện cho hơn 300 triệu người dân Ấn Độ hiện chưa được tiếp cận năng lượng, trong khi vẫn hoàn thành mục tiêu của Hiệp định Paris, Ấn Độ đang áp dụng công nghệ CCS để tiêu thụ than đá một cách bền vững nhất.  Một doanh nghiệp tại đây đang tận dụng carbon tích lũy được từ bộ phận chưng cất để sản xuất baking soda. Thêm vào đó, các công nghệ HELE cũng đã được chính phủ nước này đưa vào chương trình nghị sự. Dự kiến, Ấn Độ sẽ nâng cấp khoảng 40 GW với công nghệ siêu tới hạn và xây dựng một nhà máy nhiệt điện công suất 800 MW với bộ phận chưng cất siêu tới hạn vào năm 2020.

Nhiều quốc gia phát triển cũng đang tiến tới áp dụng các công nghệ than đá sạch. Được biết đến là quốc gia sản xuất than đá lớn thứ ba thế giới, Úc dự kiến sẽ đạt tới mục tiêu của thỏa thuận Paris bằng cách thay thế các nhà máy nhiệt điện hiện tại bằng các nhà máy nhiệt điện siêu tới hạn, giúp giảm phát thải tới 28%. Nhật Bản, quốc gia tiêu thụ than đá lớn thứ 4 thế giới, đã cho xây dựng hai đơn vị theo công nghệ HELE trong trạm nhiệt điện Isogo với hệ suất hiệu quả lên tới 45%. Hai đơn vị này được xây dựng nhằm bù lại công suất năng lượng hạt nhân bị thiếu hụt từ sau trận động đất năm 2011.

Để có thể bù lấp khoảng trống mà Washington để lại, Bắc Kinh được khuyến cáo đi theo các quốc gia Ấn Độ, Nhật Bản, Úc với những chính sách hiệu quả năng lượng thực tế thay vì cách tiếp cận từ trên xuống.

Minh Anh/ Theo Chinadialogue

Tags: ,
CHIA SẺ