Chuyển đổi số gắn với thực tế cuộc sống

BVR&MT – Để Đề án 06 của Chính phủ thật sự đi vào cuộc sống, công việc cấp thiết hiện nay là thúc đẩy chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, đơn vị. Chỉ khi “điểm nghẽn” này được tháo gỡ, Chính phủ điện tử mới vận hành toàn diện, xây dựng được môi trường xã hội số, tiến tới giảm toàn bộ thủ tục hành chính thủ công để thay thế bằng các phương thức điện tử.

Công an phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) tuyên truyền về những tiện ích của căn cước công dân gắn chíp điện tử. (Ảnh Phương Long)

Bộ Công an, với vai trò là đơn vị nòng cốt trong việc thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), đang khẩn trương nỗ lực khắc phục những vướng mắc để đem lại những tiện ích đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Nhiều đổi mới từ việc “cụ thể hóa” Đề án 06

Theo Đề án 06, Bộ Công an có nhiệm vụ cung cấp 11/25 dịch vụ công thiết yếu. Đến nay đã hoàn thành tích hợp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an 9/11 dịch vụ công. Đối với hai dịch vụ còn lại là đăng ký thường trú, tạm trú đang tiếp tục được thực hiện, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2022. Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2022, C06 đã tham mưu với Bộ trưởng Công an ban hành Thông tư số 08/2022-TT-BCA ngày 27/1/2022 quy định danh mục sản phẩm khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với 90 nhiệm vụ theo Kế hoạch 56/KH-BCA ngày 11/2/2022 của Bộ Công an, đến nay đã hoàn thành 25 nhiệm vụ. Ngành đã phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ năm nhóm tiện ích; rà soát, ban hành 227/227 quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính ở mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, đạt tỷ lệ 100%. Bộ Công an đã cung cấp 189 dịch vụ công (tăng 143 dịch vụ công so với thời điểm đầu năm 2022) trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, trong đó có 44 dịch vụ công mức độ 3, 145 dịch vụ công mức độ 4. Cổng dịch vụ công Bộ Công an đã tiếp nhận trực tuyến 201.884 hồ sơ, đã giải quyết 74.587 hồ sơ, trong đó trả kết quả đúng hạn 74.336 hồ sơ, trả kết quả quá hạn 251 hồ sơ.

Trong nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, theo Đại tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng C06, Bộ Công an đang triển khai ứng dụng các tính năng của chíp điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số; đã tích hợp thử nghiệm về mặt kỹ thuật, giải pháp đối với việc xác thực danh tính qua thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử được trang bị tại các quầy giao dịch của năm ngân hàng. C06 đã triển khai thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân thay thẻ ATM tại một số chi nhánh của ba ngân hàng lớn.

Sau gần hai tháng triển khai thí điểm, đến nay đã có 427 lượt công dân sử dụng thẻ căn cước công dân để giao dịch. Trong lĩnh vực y tế, số lượng cơ sở y tế đã sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám, chữa bệnh là 6.483/13.160 cơ sở (đạt tỷ lệ 49,3%). Số lượng công dân sử dụng căn cước công dân khám, chữa bệnh là 486.938 trường hợp. Đặc biệt, dịch vụ công cấp hộ chiếu online tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an thành phố Hà Nội) và Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cũng như Công an các địa phương đã được triển khai. Từ ngày 15/5/2022 đến 30/6/2022, đã tiếp nhận 1.578 hồ sơ.

Tại công an các địa phương, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo trong triển khai Đề án 06 gắn với thực tế đời sống nhân dân. Điển hình như mô hình Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà của Ủy ban nhân dân phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) phối hợp Công an phường Trúc Bạch triển khai. Ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trúc Bạch chia sẻ, do nhiều người dân còn bỡ ngỡ với việc sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện thủ tục hành chính cho nên Đội cơ động được triển khai nhằm “cụ thể hóa” Đề án 06.

Để giúp người dân dễ dàng tiếp cận với cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia, tối giản thời gian giải quyết thủ tục hành chính, các Đội cơ động mang theo máy tính xách tay tới tận nhà các hộ dân để hướng dẫn người dân làm quen, thao tác thực hiện dịch vụ công trên nền tảng điện tử; tư vấn cho người dân hiểu hơn về ý nghĩa của việc sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Khi một người dân thành thạo trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ là nhân tố tuyên truyền đắc lực và hướng dẫn cho những người dân khác, từ đó tạo tính lan tỏa trong cộng đồng dân cư, giúp Đề án 06 thật sự hữu ích trong đời sống hằng ngày của người dân.

Cần đẩy nhanh kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành

Liên quan đến tiến độ thực hiện các công việc của Đề án 06, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 06 Bộ Công an cho biết, nhìn lại sáu tháng đầu năm 2022 thực hiện Đề án 06, Bộ Công an đã đạt được những kết quả quan trọng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, qua đó việc thực hiện Đề án 06 đạt được nhiều dấu ấn tích cực như: Đã triển khai kết nối làm giàu dữ liệu dân cư với 11 bộ, ngành, 14 địa phương; tích hợp thông tin trên thẻ căn cước công dân và bước đầu triển khai một số ứng dụng như: khám, chữa bệnh, kiểm soát ra vào, giao dịch ngân hàng.

Tuy nhiên, đối chiếu lại với mục tiêu yêu cầu ban đầu, còn rất nhiều việc phải làm như: công tác kết nối với các bộ, ngành vẫn còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra; các bộ, ngành chưa có đầy đủ dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” để kết nối với Bộ Công an. Lấy thí dụ về việc kết nối dữ liệu trong ngành y tế, một lĩnh vực rất quan trọng, đồng chí Tô Lâm khẳng định, khi dữ liệu của ngành y tế kết nối vào dữ liệu gốc của ngành Công an sẽ giúp cho công tác quản lý, chăm sóc, theo dõi sức khỏe của người dân được nâng cao. Không chỉ ngành y, các đơn vị chức năng cũng sẽ biết được tình hình chăm sóc sức khỏe người dân được tốt hơn. “Khi kết nối được ở lĩnh vực, bộ, ngành nào thì sẽ giúp cho công tác phục vụ nhân dân ở lĩnh vực, bộ, ngành đó được tốt hơn, sớm hơn”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, dữ liệu quốc gia về dân cư phải làm tốt, luôn được bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Đối với việc cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, Bộ trưởng Công an Tô Lâm yêu cầu các đơn vị phải tập trung hoàn thành những phần việc còn lại về cấp, trả căn cước công dân phục vụ công dân; tập trung giải quyết những vướng mắc, tiếp tục thúc đẩy những phần việc còn đang triển khai.

Nhấn mạnh những vấn đề phát sinh, người đứng đầu Bộ Công an chỉ rõ, việc thực hiện Đề án 06 hiện nay bắt đầu bước vào những giai đoạn khó khăn, nhiều công việc cần phải làm, triển khai trong thời gian tới, đòi hỏi các đơn vị phải nỗ lực cố gắng cao độ mới hoàn thành được mục tiêu đề ra. Với vai trò thường trực, các đơn vị phải chỉ rõ những vấn đề vướng mắc kể cả pháp lý, từ đó nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giải quyết, triển khai; tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, lợi ích để các bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng, người dân nắm rõ, hiểu sâu; trong đó, tập trung khắc phục những tâm lý chưa “thông” về kết nối dữ liệu trong lĩnh vực quản lý, quản trị xã hội.

Đồng thời, Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý, công nghệ luôn phát triển thay đổi, đòi hỏi nguồn nhân lực ngày càng phải được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Các đơn vị cần nâng cao cảnh giác, tăng cường hơn nữa biện pháp kiểm tra, rà soát thường xuyên nhằm bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống dữ liệu; kết nối liên thông chặt chẽ với các bộ, ngành về dữ liệu, bảo đảm dữ liệu luôn trong trạng thái tuyệt đối an toàn, phục vụ hiệu quả lợi ích của người dân, doanh nghiệp…