BVR&MT – Theo Chính phủ, việc giảm bảo vệ thuế môi trường đối với xăng, dầu sẽ giúp hạ giá bán lẻ trong nước, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị kéo dài thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu tới hết năm 2024. Mức giảm tương đương với 50% biểu thuế và đang được áp dụng từ tháng 4/2022 đến hết năm nay.
Hiện tại, biểu thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng (trừ ethanol) đang là 2.000 đồng một lít. Nhiên liệu bay, dầu diesel, mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng một lít. Còn mức thuế với dầu hỏa 600 đồng một lít.
Khi giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng, dầu tới tay người tiêu dùng sẽ hạ tương ứng 1.100 – 2.200 đồng mỗi lít (đã gồm VAT), riêng dầu hỏa hạ 660 đồng mỗi lít.
Từ ngày 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể: xăng (trừ ethanol) là 4.000 đồng một lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng một lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng một lít; dầu hỏa là 1.000 đồng một lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng một kg.
Theo đánh giá của Chính phủ, khi giảm thuế bảo vệ môi trường, ngân sách nhà nước ước giảm thu bình quân mỗi tháng (đã gồm VAT) khoảng 38.924 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc kéo dài giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm sau sẽ giúp hạ giá bán lẻ trong nước, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Cùng với đó việc này cũng giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi, nhất là các doanh nghiệp được hưởng lợi từ giảm thuế với xăng, dầu.
Sơn Tinh