Cần sớm hoàn thiện chế độ, chính sách bảo vệ người lao động đối với các nghề độc hại

BVR&MT – Ngày 30/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam đã tổ chức Hội thảo ‘Nâng cao kiến thức, giải pháp, chế độ chính sách cho các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm trong môi trường lao động trong giai đoạn hiện nay’.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; GS.TS Lê Vân Trình – Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam; ThS Lê Thanh Tùng – Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam.

PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe người lao động là chính sách kinh tế – xã hội lớn của Đảng và Nhà nước, là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển và triển khai các chính sách mới là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của công tác an toàn lao động trong các ngành nghề đặc biệt nguy hiểm.

Theo ông Nguyễn Khánh Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ LĐTB&XH), việc đánh giá và phân loại điều kiện lao động là chính sách rất ưu việt của Đảng và Nhà nước ta đã được thực hiện trong mấy chục năm qua. Chính sách này có được sự đồng thuận và ủng hộ của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp cũng như người lao động.

Ông Nguyễn Khánh Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ LĐTB&XH)

Hiện nay, Việt Nam càng hội nhập sâu rộng với quốc tế. Những tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội trên thế giới ngày càng được nâng lên. Điển hình như năm 2023, Chính phủ Đức đã ban hành luật thẩm định chuỗi cung ứng, đưa ra nhiều điều kiện như: Không sử dụng lao động trẻ em, không cưỡng bức lao động, bảo đảm công tác an toàn vệ sinh lao động, mức tiền lương tối thiểu. Hay năm 2024, EU cũng ban hành chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng, đưa ra điều kiện về công tác an toàn vệ sinh lao động với những tiêu chuẩn cao.

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần hết sức quan tâm tới việc đánh giá, phân loại nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm này bởi nếu chúng ta không đưa ra phương pháp đánh giá, phân loại chính xác, công bằng, hợp lý, hài hòa, giúp cải thiện điều kiện lao động thì rất khó để cạnh tranh.

Giới thiệu về các công cụ đo lường stress nghề nghiệp được Hàn Quốc áp dụng để đánh giá điều kiện lao động, Thạc sỹ Nguyễn Hải Hà, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết, công cụ này được vận hành dựa trên 43 câu hỏi và 8 yếu tố chính về môi trường vật lý và yêu cầu công việc. Các yếu tố này không chỉ giúp xác định mức độ stress người lao động đang gặp phải mà còn cung cấp cơ sở để so sánh với các doanh nghiệp khác, từ đó xây dựng các quy chuẩn cho ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Đề cập đến tình trạng căng thẳng tâm lý mà người lao động trong ngành khai thác mỏ phải đối mặt, Tiến sỹ Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam, bốn yếu tố chính liên quan đến sức khỏe tâm lý lao động gồm tâm lý cá nhân, yếu tố tâm lý xã hội, sức khỏe thể chất và các biện pháp quản lý. Các yếu tố này đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khỏe của người lao động, đặc biệt là những người làm việc trong điều kiện làm việc căng thẳng, với cường độ cao.

Bác sỹ Nguyễn Đình Trung, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp thuộc Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường đề xuất việc công nhận ngành chế tác đá tiếp xúc với bụi silic là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. “Bệnh bụi phổi silic là một bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng, gây xơ hóa phổi không thể hồi phục do người lao động tiếp xúc với bụi silic trong quá trình làm việc. Để giảm thiểu rủi ro, cần có giải pháp giám sát chặt chẽ môi trường làm việc và nâng cao năng lực chẩn đoán bệnh bụi phổi silic”, Bác sỹ Nguyễn Đình Trung nói.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung trong Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động. Các ý kiến nhất trí cho rằng, mặc dù Thông tư này đã được áp dụng trong nhiều năm nhưng vẫn còn một số hạn chế như việc đánh giá các tiêu chí khác nhau bằng giá trị trung bình khó áp dụng cho các ngành nghề đặc thù; cần thiết phải điều chỉnh Thông tư để phản ánh đầy đủ các yếu tố nguy hại, đặc biệt là khi các chất độc hại xuất hiện đồng thời trong môi trường làm việc. Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tiến hành soạn thảo dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH.

Dự thảo Thông tư này sẽ phân loại lao động theo điều kiện lao động và các yếu tố sinh học tác động đến sức khỏe của người lao động. Điều này nhằm đảm bảo người lao động trong các nghề nguy hiểm, độc hại được bảo vệ tốt hơn thông qua các biện pháp an toàn và các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Vũ Trà