Cần có giải pháp xây dựng bãi rác thải ở nông thôn

BVR&MT – Do công tác quy hoạch, xây dựng, vận hành các bãi tập kết rác thải sinh hoạt nông thôn còn tồn tại một số bất cập nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

Bãi rác thôn Làng My, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng đang quá tải gây ô nhiêm môi trường nông thôn.

Ô nhiễm môi trường từ các bãi rác

Thời gian qua, người dân ở nhiều địa phương bức xúc và lo lắng về tình trạng quá tải tại các bãi tập kết rác thải sinh hoạt nông thôn và những hệ lụy do các bãi rác chưa được quy hoạch, xây dựng theo đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường. Điển hình như bãi rác tại xã Ngũ Chỉ Sơn (xã Bản Khoang cũ), thị xã Sa Pa, do không được đầu tư đồng bộ từ đầu nên không có công trình phụ trợ, không có hệ thống chống thấm, không có hệ thống thu và xử lý nước rỉ rác (nước rỉ rác chảy trực tiếp xuống hạ lưu). Hoặc tình trạng bãi chứa rác thải sinh hoạt nằm tại thôn Bảo Nhai, xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) rộng 2,5 ha, sau nhiều năm hoạt động chưa có phương án phân loại, chôn lấp đã quá tải.

Đặc biệt, thời gian qua, bãi rác thải sinh hoạt thôn Làng My, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) trở thành “điểm nóng” khi hàng nghìn tấn rác được tập kết về đây không được xử lý, bốc mùi nồng nặc, nước thải ô nhiễm chảy tràn ra xung quanh. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đức Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang cho biết: Bãi rác nằm trên địa bàn thôn Làng My được hình thành từ hơn 10 năm trước nhằm thu gom rác thải sinh hoạt của các xã Xuân Quang, Phong Niên, Phong Hải của huyện Bảo Thắng. Tuy nhiên, do không được thiết kế đúng tiêu chuẩn, bãi rác này không có nền lót đáy chống thấm và chỉ chôn lấp thủ công, đến nay đã quá tải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến không khí, nguồn nước ngầm. Nhiều hộ trong thôn đã gửi đơn lên chính quyền đề nghị có phương án xử lý hoặc xin được di dời đi nơi khác nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết.

Việc xử lý rác ở các bãi tập kết rác thải nông thôn chủ yếu là chôn lấp hoặc đốt.

Cần giải pháp căn cơ

Toàn tỉnh hiện có 71/127 xã được đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, ở một số xã khác cũng có địa điểm tập kết rác thải sinh hoạt. Việc hình thành các bãi tập kết rác thải góp phần giảm tình trạng người dân vứt rác bừa bãi ven đường, xuống ao, hồ, mương nội đồng, gây ô nhiễm môi trường. Nhưng thực tế cho thấy, việc duy tu, sửa chữa, vận hành các hạng mục công trình như hệ thống kè, rãnh thu gom nước thải ở hầu hết bãi tập kết rác chưa được chính quyền địa phương quan tâm. Cùng với đó, quy trình xử lý rác thải không khoa học mà chủ yếu chôn lấp, đốt nên sau một thời gian đi vào hoạt động không thể duy trì do quá tải hoặc gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, một số xã vùng cao có địa hình phức tạp, không có mặt bằng nên chưa bố trí quy hoạch, xây dựng được bãi rác theo quy định, dẫn đến hình thành những bãi rác tự phát. Thực trạng này làm xấu đi hình ảnh nông thôn trong lành, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Ông Lưu Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Thực hiện Quyết định 800 ngày 4/6/2010 và Quyết định số 1600 ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thực hiện và duy trì bền vững tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có quy hoạch, xây dựng các bãi rác thải sinh hoạt ở nông thôn. Tuy nhiên, do là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp nên đa phần các bãi rác được đầu tư tại các khu vực có địa hình đồi dốc, đường giao thông nhỏ hẹp, gây khó khăn trong thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Cùng với đó, một số vị trí được lựa chọn phù hợp với quy hoạch nhưng không được người dân đồng thuận nên không thể triển khai thực hiện mà phải tìm và quy hoạch tại vị trí khác, gây khó khăn trong thực hiện chủ trương đầu tư và thiết kế…

Thực tế cho thấy hiện nay, ở nhiều địa phương, việc quy hoạch, lựa chọn vị trí xây dựng bãi chôn lấp rác thải nông thôn đa phần chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường, dẫn đến còn một số địa phương bố trí bãi rác nằm gần khu vực dân cư (khoảng cách từ 3 m đến 100 m) gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống Nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường trên diện rộng, như bãi rác Bản Hón, xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên); bãi rác trung tâm xã Mường Vi (huyện Bát Xát); bãi rác thôn Vinh, xã Võ Lao (huyện Văn Bàn).

Xung quanh vấn đề này, ông Vũ Đình Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường lý giải: Hiện nay, nhiều địa phương đã quy hoạch được bãi rác, tuy nhiên do kinh phí đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý rác thải thấp (300 triệu đồng/bãi rác) nên các bãi rác chưa hoàn thiện các hồ sơ thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường và không được đầu tư xây dựng đảm bảo yêu cầu bãi rác hợp vệ sinh theo quy định. Cùng với đó, trong thời gian vận hành các bãi rác, do kinh phí hạn hẹp thu từ người dân nên việc xử lý rác thải tại bãi chôn lấp chưa được triệt để. Hiện tại, ngoài thị xã Sa Pa vận hành, xử lý rác thải tại các bãi chôn lấp bằng phương pháp rắc vôi bột, lấp đất khử trùng thì đa phần các địa phương còn lại chỉ chôn lấp, đổ thải tự nhiên hoặc đốt thủ công.

Tỉnh đã xây dựng lộ trình đầu tư các khu xử lý rác thải tập trung quy mô liên vùng, liên huyện bằng công nghệ hiện đại, tiến tới đóng cửa một số bãi rác không đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Đây là lộ trình dài hơi, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, và việc nghiên cứu quy hoạch, bố trí địa điểm cũng cần thời gian. Để giải quyết vấn đề trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường hướng dẫn, giám sát các địa phương thực hiện việc quy hoạch, tổ chức triển khai xây dựng các bãi tập kết rác ở nông thôn; chỉ đạo các huyện, thị xã rà soát lại tình trạng vận hành các bãi rác đang hoạt động, lập phương án cải tạo, sửa chữa, đáp ứng việc tiếp nhận, xử lý toàn bộ lượng rác phát sinh ở nông thôn theo đúng quy trình, kỹ thuật xử lý rác thải tại các khu chôn lấp.

Để xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn được triệt để, khoa học, ngoài việc quy hoạch thiết kế, xây dựng các bãi tập kết rác thì các cấp chính quyền, ngành chức năng cần kêu gọi, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải công nghệ cao quy mô liên vùng. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn theo hướng rác hữu cơ sau khi phân loại được ủ chế phẩm vi sinh làm phân bón; rác vô cơ có thể tái chế và không thể tái chế chuyển cho đơn vị thu gom rác xử lý. Bằng cách này, vừa giảm công phân loại khi xử lý, vừa giảm lượng rác phải chôn lấp.