Cà Mau: Thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, trồng rừng ven biển ứng phó biến đổi phí hậu

BVR&MT – Cà Mau có diện tích tự nhiên 522.119 ha, với 3 phía giáp biển, chiều dài bờ biển trên 254 km; có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài trên 10.000 km và 87 cửa sông thông ra biển; chịu tác động của chế độ bán nhật triều phía biển Đông và nhật triều phía biển Tây, tạo ra cho Cà Mau 2 hệ sinh thái rừng đặc thù là rừng ngập mặn và rừng ngập lợ rộng lớn gần 200.000 ha, đây là điều kiện rất thuận lợi để bảo vệ và phát triển rừng kết hợp với sản xuất ngư, nông nghiệp bền vững.

Ảnh minh họa.

Thực hiện Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch 3 năm, kế hoạch hàng năm để tổ chức thực hiện. Trong đó có sự lồng ghép của các chương trình, dự án về lâm nghiệp trên địa bàn như: Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012 – 2015; Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững 2016-2020, các dự án hợp tác quốc tế, các dự án từ nguồn vốn ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, nguồn vốn tự có của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình.

Theo dõi diện tích quy hoạch 3 loại rừng: Diện tích đất có rừng tập trung trong đất lâm nghiệp đến 31/12/2017 là 95.415,25 ha, gồm rừng đặc dụng 18.229,62 ha; rừng phòng hộ 23.363,48 ha; rừng sản xuất 53.822,15 ha. Đến nay Sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn đã đạt được kết quả tích cực góp phần bảo vệ và phát triển, khôi phục rừng ngập mặn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng

Cùng với công tác khôi phục rừng là tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, ban hành các biện pháp, chính sách nhằm khôi phục rừng, dung hòa lợi ích trước mắt của người dân với việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng một cách hiệu quả, thu nhập của các hộ dân vùng rừng từng bước được cải thiện, tạo niềm tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ở khu vực rừng ngập mặn, tỷ lệ diện tích có rừng trong từng hộ gia đình được tăng lên bằng giải pháp san bờ lấp kênh để trồng lại rừng đước, hàng năm trồng mới được 300 ha đến 550 ha. Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng trong các khuôn hộ (tôm sinh thái) phát triển, hiện nay có khoảng trên 20.000 ha/4.200 hộ được chứng nhận nuôi tôm bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế. Ở khu vực rừng tràm tập trung phát triển trồng rừng thâm canh gắn với chế biến lâm sản đang được các doanh nghiệp và hộ dân quan tâm đầu tư, đến nay đã trồng thâm canh trên 18.000 ha (keo lai 9.000 ha; tràm 9.000 ha), tiếp tục phát triển rừng gỗ lớn, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, tiến tới đánh giá cấp chứng chỉ rừng.

Công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy – chữa cháy rừng được nâng lên, không để xảy ra các điểm nóng về mất rừng, cháy rừng. Cộng đồng dân cư vùng rừng đã có trách nhiệm hơn trong công tác khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng.

Trồng rừng ven biển

Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở ven biển gia tăng, tỉnh Cà Mau đã áp dụng nhiều giải pháp để khôi phục rừng ngập mặn, như san lấp mặt bằng (kênh, bờ trong các khuôn hộ nhận khoán) để trồng lại rừng ở khu vực rừng phòng hộ xung yếu và rừng sản xuất; khoanh nuôi tái sinh khu vực bãi bồi ổn định (rừng phòng hộ, đặc dụng tại Mũi Cà Mau); trồng rừng ven biển có hàng rào giảm sóng ở khu vực bãi bồi chưa ồn định; xây dựng công trình gây bồi tạo bãi để trồng rừng hoặc xúc tiến tái sinh tự nhiên phía trong.

Thực hiện các dự án trồng rừng mới ven biển bằng sự lồng ghép các chương trình, dự án, các nguồn vốn đầu tư khác nhau để trồng rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu: Diện tích trồng rừng mới ven biển trong các năm 2015 – 2018 bình quân 350 ha/năm. Khoanh nuôi tái sinh rừng khu vực bãi bồi Mũi Cà Mau, bình quân mỗi năm thực hiện khoanh nuôi mới 100 ha, khoanh nuôi chuyển tiếp 200 ha.

Nhiệm vụ đến năm 2020

Bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất hiện có, tăng cường khôi phục rừng phòng hộ ven biển để bảo vệ môi trường sinh thái chống sạt lở. Diện tích trồng rừng mới, trồng bổ sung, khoanh nuôi tái sinh rừng giai đoạn giai đoạn 2018-2020 khoảng khoảng 2.000 ha. Trong đó trồng rừng mới 500 ha/năm chủ yếu là rừng ngập mặn ven biển. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp; các ban quản lý rừng phòng hộ, Hạt kiểm lâm quản lý rừng.

Phát triển các mô hình kinh tế hợp tác trong lâm nghiệp: Hợp tác xã, tổ hợp tác, các hình thức hợp tác liên kết, theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp. Thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào lĩnh vực lâm nghiệp: trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, chế biến lâm sản, thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Đồng thời, tỉnh Cà Mau cũng đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.