Tiến sĩ Liliana Corredor, người sáng lập và điều phối Nhóm các nhà khoa học vì dòng Mê Kông của Úc, cuối tháng trước đã gửi một bức thư ngỏ tới Ủy ban sông Mê Kông (MRC) kêu gọi Ủy ban này ngừng bao biện và có những hành động cụ thể, dứt khoát hơn để ngăn Lào và Campuchia xây dựng thêm đập thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh của sông Mê Kông.
Thủy điện không phải hình thức phát triển bền vững
Trong bức thư, bà Liliana Corredor cho rằng thủy điện không phải là loại hình phát triển bền vững; không phải công nghệ năng lượng xanh và sạch mà là nguồn phát thải khí nhà kính (CO2, CH4, N2O). Thủy điện còn là thủ phạm ngăn chặn sự di cư của các loài cá; đe dọa an ninh lương thực của 60 triệu dân nghèo; đẩy hàng trăm loài thủy sinh như cá tra khổng lồ, cá đuối khổng lồ, cá heo Irrawaddy và hàng chục loài cá quan trọng đối với bữa ăn của các cộng đồng ven sông tới bờ vực tuyệt chủng; làm giảm đáng kể đa dạng sinh học, ảnh hưởng tới chuỗi thức ăn thủy sinh; giảm quần thể cá khiến suy thoái nguồn dinh dưỡng và sức khỏe của hàng triệu người sống dựa vào đánh bắt cá. Chưa hết, các đập thủy điện còn chặn lượng lớn trầm tích và phù sa quan trọng trong đảm bảo năng suất nông nghiệp và thay đổi địa mạo của dòng sông; gây tổn hại cho hồ Tonle Sap và các vùng ngập nước, các vựa nuôi cá; làm giảm chất lượng nước; giảm dòng chảy qua các đập thượng nguồn ở Trung Quốc, Lào và Campuchia; nhấn chìm các vùng đồng bằng do thiếu trầm tích, phù sa bồi đắp; giảm năng suất sông Mê Kông ở các hệ sinh thái cả trên cạn và dưới nước do sự thiếu chất dinh dưỡng, phù sa; gia tăng “tị nạn môi trường”.
Bức thư nhấn mạnh, thực tế, các đập thủy điện trên lưu vực sông Mê Kông, đang góp phần gia tăng tình trạng đói nghèo và tuyệt vọng thay vì “nâng cao điều kiện sống và giảm đói nghèo” như vẫn được tuyên truyền. Việc xây dựng thêm đập đang buộc hàng chục ngàn người dân ở các cộng đồng nghèo phải dời bỏ nhà cửa, đất sản xuất và văn hóa của họ, trong khi họ chỉ được bồi thường bằng một khoản tiền ít ỏi và không hề được hỗ trợ phương thức sản xuất lương thực hay thủy sản thay thế, gò ép người dân phải theo “lối sống thị trường” trong khi không đào tạo cho họ những điều kiện cần thiết cho lối sống này.
Bức thư nêu bằng chứng về các tác động kinh tế, môi trường và xã hội của việc phát triển thủy điện ở thượng nguồn tới các quốc gia ở hạ lưu qua nghiên cứu của Kuenze, C và cộng sự (2012): “Đánh giá việc phát triển thủy điện trên lưu vực sông Mê Kông cho thấy sự xung đột rõ ràng giữa nhu cầu của các quốc gia thượng nguồn và hạ nguồn; đặc biệt là giữa sự ưu tiên của người ra quyết định ở tầng lớp thượng lưu, trực tiếp hay gián tiếp hưởng lợi từ những con đập này và phần đông dân cư nông thôn nghèo, phải đối mặt với những rủi ro từ quyết định.
Các đập thủy điện trên dòng chính và các dòng nhánh tác động đến sự biến thiên của nhịp lũ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng sinh thái, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của dòng sông. Điều này dẫn đến sự suy giảm trầm tích dài hạn ở hạ lưu, giảm lượng phù sa đến các vùng đồng bằng, vùng đất ngập nước và các khu vực canh tác nông nghiệp; làm trầm trọng thêm sạt lở bờ sông và xâm nhập mặn ở đồng bằng Cửu Long cũng như vùng hồ ngập nước Tonle Sap và khu vực phía nam Campuchia. Trong khi đó, đây là nơi cư ngụ của hơn một phần ba dân số lưu vực sông Mê Kông, những người sống chủ yếu dựa vào nguồn protein từ việc đánh bắt cá hàng ngày.
Việt Nam sẽ chịu hậu quả nặng nề
Tiến sĩ Liliana Corredor nhấn mạnh, càng nhiều đập thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn thì hạ nguồn lại cảm nhận thấy các tác động ngày càng nghiêm trọng! Mỗi con đập được xây như một cái đinh đóng lên quan tài của đồng bằng sông Cửu Long.
Bức thư cũng dẫn lời ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết: “Khoảng 971.200 ha diện tích đất nông nghiệp thuộc 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã bị nhiễm mặn”. Và theo lời Tiến sĩ Lê Anh Tuấn của Đại học Cần Thơ, hơn một nửa dân cư đồng bằng sông Cửu Long (tương đương khoảng 10 triệu người) có thể trở thành “dân tị nạn môi trường” nếu đồng bằng sông Cửu Long ngập thêm từ 1-1,5m – do các đập thủy điện thượng nguồn ngăn lượng trầm tích tối quan trọng, giữ cho đồng bằng khỏi chìm; điều này lại càng trầm trọng hơn trong bối cảnh mực nước biển dâng cao do khí hậu ấm lên. Quá trình phát thải khí nhà kính từ các đập thủy điện cũng góp phần đẩy nhanh quá trình ấm lên của khí hậu.
Bức thư còn đưa bằng chứng về những khả năng tồi tệ hơn ở nghiên cứu mới rằng: Theo ước tính, nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m thì hơn 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị chìm dưới nước! “Điều này có thể khiến hơn 7 triệu người phải di dời và làm ngập nhà của hơn 14,2 triệu người đang sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long; cộng thêm việc làm ngập một nửa diện tích canh tác của khu vực này (Warner và đồng nghiệp, 2009).”
Bức thư cho rằng quá trình tham vấn đối với đập thủy điện thứ ba – đập Pak Beng trên sông Mê Kông rõ ràng chỉ là “hình thức” để ngụy tạo rằng các thủ tục ngoại giao đã được tuân thủ. Cuối thư, bà Liliana nhấn mạnh rằng Ủy hội sông Mê Kông và chính phủ các nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và Úc – đang thúc đẩy một Khủng hoảng Nhân đạo chưa từng có ở Đông Nam Á, dưới danh nghĩa “Tăng trưởng và Phát triển kinh tế”.
Từ đó, Nhóm các nhà khoa học vì dòng Mê Công cho rằng đã có đủ các nghiên cứu cho thấy sự cần thiết phải đưa ra một lệnh cấm phát triển đập thủy điện trên lưu vực sông Mê Kông. Theo đó, Lào và Campuchia không được phép xây thêm bất kỳ một đập nào trên sông Mê Kông hoặc các nhánh chính.
Hồng Việt