Bidoup – Núi rừng xanh ngát xanh

BVR&MT – Ngày nay nhiều bạn trẻ chọn bộ môn trekking (đi bộ vượt địa hình) chinh phục các đỉnh cao như một dạng thành tích cá nhân, tôi đã từng nghĩ thế và thử sức mình với nóc nhà Tây Nguyên, đỉnh Bidoup thuộc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, cao nguyên Lang Biang, nam Trường Sơn, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Từ Trạm kiểm lâm Klong Klanh nhìn ra xa, những dãy núi trùng điệp. Bước vào khu rừng xanh um, tán cây cao vươn bóng mát che cây thấp, cây thấp bao bọc đám rêu phong, cỏ dại, dây leo, hoa rừng điểm xuyến, nhiều nấm lạ, sắc màu, thỉnh thoảng bắt gặp những cánh phong lan rơi vãi trên đường đi phủ đầy lá rừng (lớp mùn giữ ẩm, làm mát và tẩm bổ cho cây), chú chim hót “bắt cô trói cột” cô bạn đường người Tây Nguyên nói tôi nghe, hòa điệu với đám chim chóc ẩn nấp đâu đó âm vang, mổ trái rừng rụng xuống, làn gió mát khẽ vén những tán lá đưa ánh mặt trời rọi xuống đất đủ ấm ấm ẩm ẩm cho cây cối sinh sôi nảy nở,… Chúng tôi tung tăng tận hưởng đường xuyên rừng xanh mát rộng thênh thang, bỗng hẹp bước chân, cỏ rậm rạp phủ lối, rồi thả rơi con dốc bằng sợi dây rừng bắt qua dòng suối, mùa khô chỉ còn dòng nước nhỏ chen đá róc rách, có khi dốc cao chùn chân mỏi gối, ngồi nghỉ bệ cỏ lau cao quá đầu, ngắm nhìn núi non xa xôi, mấy thân cây già bật gốc ngã sóng soài giữa rừng là trạm dừng chân lý tưởng tiếp sức hành trình.

Đỉnh Bidoup.

Giữa trưa, đoàn đến bãi đá nghỉ, nạp năng lượng, khoảng không trước mặt là núi Bà – Lang Biang. Cả đám giật mình, một con rắn lục cuộn mình trong khóm lan mọc trên đá. Hai bạn dẫn đường người Cil (thuộc trạm kiểm lâm Klong Klanh, mỗi chuyến đi như thế này đều phải đăng ký với Ban quản lý Vườn quốc gia) trấn an “rắn không tấn công người nếu không bị đe dọa”, nên cả trưa, người và rắn chia nhau ranh giới ngủ nghỉ an lành.

Một điều linh thiêng trong chuyến đi này mà chúng tôi có được đó là thăm cây cổ thụ Pơ mu 1.300 tuổi. Đứng trước một tòa thiên nhiên cao ngất, nhân chứng qua bao kiếp người, tôi cảm giác như vừa chạm vào dòng thời gian trôi, tâm hồn nhẹ tênh, chỉ giữ cho mình một trái tim thuần khiết, đắm mình yêu thiên nhiên, yêu sự sống vô cùng.

Cây Pomu 1300 tuổi.

Với mục tiêu chinh phục nóc nhà Tây Nguyên. Mặc dù đường đi khá mất sức, gậy leo núi để trợ lực cũng phải thu gọn vào balo, hai tay bám dây cáp mắc sẵn bởi đỉnh dốc cao cực sốc. Mồ hôi cứ vã ra, thở gấp như ai cướp mất oxy, tôi ngồi nghỉ lưng chừng đỉnh trên bệ đất như lối thang lên, uống nước và tiếp thêm năng lượng, chỉ có như vậy tôi mới biết mình có thể đến đích an toàn tới đỉnh Bidoup với độ cao 2.287m.

Chúng tôi dừng chân nghỉ đêm bên một lán nhỏ nằm trên một đồi thông, với độ cao trên 1.800 mét, lạnh là một đặc sản. Ở triền đồi, một nhà vệ sinh kiêm nhà tắm 02 buồng với đường nước được dẫn tự nhiên từ suối, thuộc dự án xây nhà vệ sinh của tổ chức Phi Chính Phủ JICA, Nhật Bản nhằm bảo đảm vệ sinh cho Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (là một phần khu dự trữ sinh quyển Lang Biang, được UNESCO công nhận).


Bạn có bao giờ thực hiện thử thách “dội nước đá” chưa? Trải nghiệm gột sạch giữa rừng với làn nước suối “ở tủ đá tự nhiên này” quả thật như một thử thách nhưng lại thật đáng nhớ. Phần thưởng sau những ngày dài lội bao đèo, dốc, đỉnh, chúng tôi được ngồi trên đồi thông lộng gió, ánh tà dương soi rọi bóng chiều, giữ ấm, chăm sóc đôi chân, thư thả ngắm đất trời bao la trở mình về đêm. Bếp lửa thắp lên, củi khô là mấy cành thông rụng cháy giòn, mấy chốc cả đoàn ấm áp bên nhau ăn tối, thịt nướng thơm lừng hòa cùng giọt rượu tê môi, tan cùng những tràn cười sảng khoái, cái lạnh lùi xa vào màn đêm. Bên bếp lửa cháy bập bùng, trăng sao giăng đầy trời vẫn không đủ thắp sáng núi rừng bát ngát, những giai điệu cuộc sống vang lên đẹp đến lạ, nhấp ngụm trà lá cây rừng thơm thơm như mùi tiêu sọ, trải hồn mình cùng ngọn cây, làn gió bay khắp đất trời thênh thang.

Chúng tôi thức giấc sớm, đón mặt trời lên, thông reo mang theo làn gió buốt đôi bàn tay, tiếp năng lượng và thưởng thức cà phê sáng cùng chúng bạn chào ngày mới, rồi thu gọn hành trang, chuẩn bị cho cung đường dài phía trước.

Rừng thông bạt ngàn. Những hàng thông thẳng tắp cả vạt núi, dưới chân trải thảm cỏ xanh ngắt, thi thoảng mấy cây dại nhú lộc đỏ, đám hoa li ti trắng trắng, hồng hồng, những nhánh sim rừng tim tím đong đưa cho mấy chú ong say đắm mình, bình mình mang ánh sáng xuyên tán lá kim rừng thông còn mờ hơi sương tạo nên bức tranh thiên nhiên tự dệt đẹp nao lòng. Con đường mòn màu đất đỏ bazan thong thả bước chân, vẫn còn những con dốc cao mệt đứ đừ, nhưng hãy tin, đi rồi sẽ tới, mệt cứ nghỉ, cung đường dẫu xa sẽ vượt qua hết. Có như vậy, lúc nghỉ chân thưởng thức miếng dưa hấu mát dịu mà tưởng mình uống nhân sâm yến tổ, trải lưng nằm đánh giấc trưa nghe thông reo vi vu mà ngỡ mình lạc chốn thiên đường.

Có trải qua một chuyến như vậy, chúng tôi mới thực sự hiểu thông điệp “đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh, đừng để lại gì ngoài những dấu chân”. Riêng tôi lỡ trộm thêm một trái tim đầy ấp tình yêu núi rừng. Tình yêu sẽ lan tỏa và tiếp tục ở những nơi dấu chân tìm đến.

“Thiên nhiên không phải là nơi thăm viếng. Đó là nhà.” (Theo Gary Snyder). Cỏ cây hoa lá, muôn thú, con người vốn dĩ là anh em một nhà của Mẹ thiên nhiên. Mê muội dẫn lối, tàn phá chính ngôi nhà chung của chúng ta để sống đơn độc trên hoang tàn đổ nát, là một tội ác. Sai và biết sửa sai, trái tim ta rộng mở, nhìn ngắm hôm qua, sống cho hôm nay và để lại cho mai sau, một Trái đất còn màu xanh.

Bài, ảnh: Phạm Thị Xuân Lan