Băng biển ở Nam Cực đạt mức thấp kỷ lục

BVR&MT  – Các nhà khoa học báo cáo, diện tích biển băng xung quanh Nam Cực đã đạt mức thấp kỷ lục, và đánh giá “chưa bao giờ chứng kiến ​​tình huống khắc nghiệt như vậy trước đây”. Mức độ băng dự kiến ​​sẽ còn giảm hơn nữa trước khi mùa băng tan vào mùa hè năm nay kết thúc.

Băng biển bị vỡ và tan chảy ở biển Weddell, Nam Cực. Ảnh: Peace Portal/Alamy.

Các nhà khoa học tại Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ cho biết, một mức thấp kỷ lục mới đã được thiết lập khi phạm vi băng biển ở Nam Cực giảm xuống còn 1,91 triệu km2 vào ngày 13/2, thấp hơn kỷ lục trước đó được thiết lập vào ngày 25/2 năm ngoái.

Theo cảnh báo của các nhà khoa họ, băng biển giúp bảo vệ các sông băng và chỏm băng có thể khiến mực nước biển dâng cao khi mất đi.

Tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu trong việc làm tan băng biển ở Bắc Cực là rõ ràng trong các hồ sơ kéo dài từ năm 1979. Băng biển ở Nam Cực thay đổi nhiều hơn từ năm này sang năm khác, điều này khiến việc nhận thấy tác động của sự nóng lên toàn cầu trở nên rõ rệt hơn.

Tuy nhiên, sự mất mát “đáng chú ý” của băng biển ở Nam Cực trong sáu năm qua cho thấy mức nhiệt kỷ lục hiện nay trong đại dương và những thay đổi liên quan trong mô hình thời tiết có nghĩa là khủng hoảng khí hậu cuối cùng cũng xuất hiện trong các quan sát.

Các nhà khoa học đã rất lo ngại về băng ở Nam Cực. Các mô hình khí hậu từ năm 2014 đã cho thấy dải băng khổng lồ ở Tây Nam Cực (WAIS) chắc chắn sẽ sụp đổ do mức độ nóng lên toàn cầu đã được chứng kiến ​​khi đó.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo, sự mất mát ngày càng tăng của băng biển làm lộ ra các tảng băng và sông băng trước những con sóng làm tăng tốc độ tan rã và tan chảy. Một nghiên cứu gần đây dự đoán, WAIS sẽ rơi vào tình trạng sụp đổ dần dần, và mực nước biển dâng cao4m, với mức tăng nhiệt độ toàn cầu tới 1 độ C.

Giáo sư Karsten Gohl, Trung tâm Nghiên cứu Biển và Cực Helmholtz thuộc Viện Alfred Wegener, Đức cho biết: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến ​​tình huống cực đoan, không có băng như vậy ở đây”.

Từ trên tàu nghiên cứu Polarstern ở Nam Cực, ông Gohl cho biết: “Thềm lục địa, một khu vực có diện tích bằng nước Đức, hiện hoàn toàn không còn băng. Thật buồn khi chứng kiến sự thay đổi này đã diễn ra nhanh như thế nào”.

Giáo sư Christian Haas, cũng tại Trung tâm Helmholtz, cho biết: “Sự suy giảm nhanh chóng của băng trên biển trong sáu năm qua là khá đáng chú ý, vì lớp băng hầu như không thay đổi trong 35 năm trước”.

NGUỒNnhandan.vn
Tags: ,
CHIA SẺ