BVR&MT – Trước tình trạng nhiều loại khoáng sản trong danh mục thu phí bảo vệ môi trường thì không phát sinh khai thác, có khoáng sản có trữ lượng, có khả năng khai thác lại không nằm trong danh mục này, tỉnh Bắc Kạn đã quyết định điều chỉnh, bổ sung nhằm tránh thất thu phí.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh đã quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác 21 loại khoáng sản. Tuy nhiên, thực tế trong giai đoạn 2020-2022, cả tỉnh chỉ phát sinh khai thác 11/21 loại khoáng sản, chủ yếu là quặng sắt, vàng, chì, kẽm…
Trong khi đó, nhiều loại khoáng sản trong danh mục khoáng sản quy định tại Nghị định số 27/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thì Bắc Kạn lại không có trữ lượng. Mặt khác, Bắc Kạn hiện có tới 16 loại khoáng sản có trữ lượng nhưng lại chưa phát sinh khai thác, dự kiến thời gian tới có thể đưa vào khai thác.
Việc quy định thu phí bảo vệ môi trường đặt ra những băn khoăn đối với các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, theo lý giải của ngành chức năng tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn từ năm 2022 trở về trước, cơ quan thu phí bảo vệ môi trường không có cơ sở để thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với các loại khoáng sản đi kèm khi khai thác khoáng sản chính.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 27/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, Chính phủ quy định: “Căn cứ hàm lượng trung bình của từng loại khoáng sản có trong quặng nguyên khai khai thác và tổng hàm lượng trung bình của các loại khoáng sản có trong quặng nguyên khai khai thác…, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Cục Thuế tỉnh và các cơ quan liên quan trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định tỷ lệ của từng loại khoáng sản nguyên khai có trong tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai chứa nhiều khoáng vật, khoáng chất có ích để tính phí bảo vệ môi trường phù hợp với tình hình thực tế của địa phương”.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn cho rằng, quy định về tỷ lệ của từng loại khoáng sản nguyên khai và mức thu phí bảo vệ môi trường đối với các loại khoáng sản đi kèm sau khi Nghị quyết được ban hành là cơ sở để Cục Thuế tỉnh, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện việc thu, nộp phí bảo vệ môi trường đối với các loại khoáng sản đi kèm, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở này, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã quyết định bổ sung, nâng danh mục khoáng sản thu phí bảo vệ môi trường từ 21 loại lên 27 loại khoáng sản.
Trong đó, có 8 loại quặng khoáng sản kim loại, như: sắt, vàng, bạch kim, quặng bạc, quặng thiếc… và 19 loại khoáng sản không kim loại, như: đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình; sỏi; đá block; đá làm vật liệu xây dựng thông thường; đá nung vôi, làm xi-măng…
Trong số 27 loại khoáng sản nói trên có 16 loại Bắc Kạn có trữ lượng, chưa phát sinh khai thác nhưng dự kiến sẽ được khai thác trong thời gian tới, như: đồng, đá granite, đá block, thạch anh kỹ thuật…
Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản kim loại từ 25 nghìn đồng/tấn đến 270 nghìn đồng/tấn. Trong đó, cao nhất là quặng vàng với mức 270 nghìn đồng/tấn, thấp nhất là quặng khoáng sản kim loại khác với mức 25 nghìn đồng/tấn.
Đối với khoáng sản không kim loại, mức thu dao động từ 1.500 đồng đến 60 nghìn đồng đối với đơn vị tính m3 hoặc tấn. Trong đó, thấp nhất là đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình mức 1.500 đồng và cao nhất là đá block; đá hoa trắng làm ốp lát, mỹ nghệ; đá granite, gabro, bazan làm ốp lát, mỹ nghệ; thạch anh tinh thể mức 60 nghìn đồng.
Với mức thu mới này, dự kiến năm 2024, Bắc Kạn sẽ thu ngân sách từ lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản đạt hơn 105 tỷ đồng, tăng hơn 10 tỷ đồng so với quy định cũ.
Được biết, Bắc Kạn là địa phương có nhiều mỏ, điểm mỏ khoáng sản, trong đó có mỏ chì, kẽm lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn bất cập vì vậy dễ bị thất thu thuế, phí tài nguyên, bảo vệ môi trường.