BVR&MT – Theo chương trình, trong ngày 15/11 có Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc lần thứ 11 và Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 4…
Ngày 15/11, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan bước vào ngày làm việc cuối cùng.
Theo chương trình, trong ngày có Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc lần thứ 11 và Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 4…
Chiều cùng ngày, diễn ra Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan và chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Brunei và Họp báo quốc tế.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc lần thứ 10, các nhà Lãnh đạo đánh giá cao tầm quan trọng của Liên hợp quốc và ASEAN trong hợp tác giải quyết các thách thức trên thế giới.
Trong bối cảnh tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, nhiều mối an ninh phi truyền thống, tội phạm mạng, bệnh dịch, biến đổi khí hậu, diễn biến tình hình ở Biển Đông…, hai bên nhấn mạnh nhu cầu hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai; chống tội phạm xuyên biên giới, khủng bố, phát triển bền vững, chống nước biển dâng, ô nhiễm, rác thải nhựa; thúc đẩy hợp tác ASEAN với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, đánh giá cao những thành tựu ASEAN đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, tuy nhiên cho rằng vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết để không ai bị bỏ lại phía sau.
Tổng thư ký khẳng định Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ ASEAN, mong muốn ASEAN tiếp tục mục tiêu phát triển bền vững.
Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), là hiệp định thương mại giữa 10 thành viên ASEAN và 6 đối tác của khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand.
Sau cuộc đàm phán vào ngày 4/11 / 2019, Ấn Độ đã rút khỏi hiệp định, do còn nhiều điểm chưa được giải quyết.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực nhằm mục đích thiết lập các quy tắc chung về thương mại điện tử, thương mại và sở hữu trí tuệ.
Khi được thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho tất cả các nước thành viên.
Các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực bắt đầu vào cuối năm 2012 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Phnom Penh (Campuchia).
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ ngày 12-15/11/2020.
Đây là chuỗi hoạt động cuối cùng của Năm Chủ tịch ASEAN và là một trong những hoạt động quan trọng nhất của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan là dịp quan trọng để Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đưa ra những quyết sách, chỉ đạo quan trọng về hợp tác ASEAN và quan hệ với các đối tác, đối sách của ASEAN đối với các vấn đề khu vực và quốc tế tác động đến khu vực trong thời gian tới cũng như nâng cao sự chủ động của ASEAN trước các thách thức khu vực và quốc tế hiện nay, trong đó có dịch COVID-19.
Đây cũng là đợt hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt, khép lại nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.