BVR&MT – Ngày 11/5, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan, Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) tổ chức Đối thoại Chính sách Thương mại (TPD) về dịch vụ môi trường.
Chương trình đối thoại cung cấp các thông tin liên quan tới việc phân loại dịch vụ môi trường; nghiên cứu sự kết hợp giữa các sản phẩm môi trường và các dịch vụ môi trường; thảo luận về các vấn đề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương có thể hỗ trợ các quốc gia thành viên trong công tác thúc đẩy đàm phán về dịch vụ môi trường.
Tại Cuộc Đối thoại, Chuyên gia phân tích chính sách thương mại Jehan Sauvage, Giám đốc Thương mại và Nông nghiệp, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã chia sẻ về những dịch vụ quan trọng, có ảnh hưởng quan trọng nhất trong ngành môi trường.
Theo đó, dịch vụ môi trường được phân loại theo ba nấc, từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất gồm dịch vụ môi trường cốt lõi (xử lý nước thải, quản lý nước ngầm); các dịch vụ liên quan đến môi trường (dịch vụ tư vấn, kỹ thuật); những ngành dịch vụ khác liên quan gián tiếp đến môi trường (pháp luật, kiểm toán…).
Tại Đối thoại, kinh doanh nguồn nước là một chủ đề được quan tâm thảo luận. Các đại biểu đã đưa ra các ý kiến tập trung về việc kinh doanh nguồn nước dưới góc độ mới; đề cập các yếu tố là động lực thúc đẩy sự sáng tạo, hiệu quả và những thách thức mà lĩnh vực này phải đối mặt.
Đối với vấn đề hạn chế sử dụng đồ tái chế và sản phẩm dùng một lần, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy cách giảm thiểu tái sử dụng và tái chế trong những hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Theo các đại biểu, cách loại bỏ, xử lý, quản lý chất thải không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh một cách bền vững, đóng góp cho ổn định xã hội.
Ngoài ra, vấn đề khắc phục thiệt hại môi trường trong các nền kinh tế thành viên APEC cũng được các đại biểu tham gia Đối thoại đánh giá là rất cần thiết; đặc biệt trong bối cảnh ngành này cũng gặp phải một số thách thức bắt nguồn từ những tiêu chuẩn, quy định về môi trường ở các nền kinh tế và các thể chế chính trị khác nhau.
Trong các phiên cuối của Đối thoại, các ý kiến tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm kinh doanh năng lượng tái tạo một cách hiệu quả. Theo đó, ý thức trong tư duy và hành vi có thể góp phần thay đổi, nâng cao chất lượng kinh doanh, làm tăng sự cạnh tranh trong thị trường.
Theo các đại biểu, việc nhiều mạng lưới thông minh cho phép sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong mạng lưới điện trung tâm và sử dụng những công nghệ tiên tiến sẽ giúp kinh doanh năng lượng tái tạo tối ưu hơn.
Tuy nhiên, những thách thức về mặt quy định có thể cản trở sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo.