BVR&MT – Do thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài làm cho cây cối khô héo, rụng lá, lớp thực bì tăng dầy; cùng với việc bất cẩn trong việc sử dụng lửa, gây ra các đám cháy lớn tại khu vực núi Cô Tô và núi Dài, huyện Tri Tôn, An Giang trong những ngày qua.
Để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể tiếp tục xảy ra, sáng 28/4, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn; đẩy mạnh các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ngành Nông nghiệp và các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương có phương án cụ thể, chi tiết, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra, vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; rà soát, lập danh sách các khu rừng có nguy cơ cháy cao.
Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, ban quản lý rừng, kiểm lâm tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong giai đoạn cao điểm mùa khô; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, ban quản lý rừng bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ.
Để phòng, chống cháy rừng trong cao điểm mùa khô, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước; thường xuyên theo dõi diễn biến rừng, theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, dự báo, cảnh báo nguy cơ và phát hiện sớm cháy rừng; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống cháy rừng.
Các huyện có rừng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân. Nghiêm cấm các hoạt động dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong cao điểm mùa khô có nguy cơ cháy rừng cao. Thực hiện phân công, phân cập trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp. Làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Nắng nóng, khô hạn đang diễn ra gây gắt, An Giang đã nâng cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng lên cấp cấp 5- cấp cực kỳ nguy hiểm có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh trên các loại rừng. Mùa khô năm 2024, An Giang đã xác định tổng diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy là gần 7.370ha, chiếm 43,70% tổng diện tích rừng toàn tỉnh.
An Giang có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp gần 16.820 ha, gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Rừng và đất rừng của An Giang tuy không lớn so với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, gắn liền với sự phát triển của du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như phục vụ cho an ninh, quốc phòng biên giới.