BVR&MT – Chiều 12/1, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển RED (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp cùng Đại sứ quán Hà Lan tổ chức tọa đàm khoa học “Giải pháp cho sụt lún và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Từ nghiên cứu tới chính sách” nhằm đề xuất những giải pháp cho vấn đề này.
Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Laurent Umans, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan đã nêu lên thực trạng cấp bách hiện nay tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong đó, sông Mê Công có vai trò quan trọng đối với sinh kế của hàng chục triệu người dân. Tuy nhiên, con người lại đang có nhiều tác động như: khai thác cát quá mức, xây dựng đập thủy điện trên thượng du sông Mê Công…cùng một số nguyên nhân khách quan: mực nước biển dân toàn cầu, dòng chảy bất thường, xói lở bờ biển, sụt lún đất và xâm nhập mặn đang gây ngập lụt nghiêm trọng tại ĐBSCL.
Hiện nay, ĐBSCL chịu tác động bởi cả yếu tố khí hậu và con người, tình trạng thiếu nước ngọt và mất mùa trong những năm qua không chỉ khiến vùng đồng bằng này thiệt hại lớn về kinh tế mà còn được xác định là mấu chốt quan trọng trong quy hoạch sử dụng đất. Vậy cần phải có những giải pháp thiết thực đưa ra để giải quyết những thách thức đang tồn tại ở ĐBSCL.
Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, Giáo sư Sepehr Eslami Arab, chuyên gia về nước Hà Lan cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân lớn gây ra tình trạng xâm nhập mặn ở vùng châu thổ sông Mê Công hiện nay (cạnh tranh giữa nước biển và sông, thủy triều, mực nước biển dâng, gió thổi vào đất liền…). Trong đó, phải nhấn mạnh tác động của con người (xây đập chặn dòng nước, khai thác cát quá mức), nhưng đến năm 2050 thì biến đổi khí hậu sẽ đóng vai trò chính.
Để xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững cần có chiến lược giảm nhẹ thích ứng, giảm tốc độ khai thác nước ngầm, khai thác cát hiện nay, hợp tác với các quốc gia thượng nguồn để giải quyết vấn đề phù sa bị tắc trên thượng nguồn. Trong một số trường hợp cần xây dựng cửa xả mới sử dụng công nghệ cho phép thoát phù sa.
Một giải pháp lâu dài liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cần kết hợp canh tác tôm lúa để thích ứng, làm chậm lại xu hướng hiện nay dẫn tới việc tăng nhanh xâm nhập mặn và sụt lún, thay đổi cơ cấu canh tác để làm thay đổi diễn biến trong tương lai, giải pháp liên quan đến công nghệ như lọc nước nano, tưới tiết kiệm.
Đặc biệt, Việt Nam phải chuẩn bị cho những kịch bản xảy ra trong tương lai khi BĐKH vẫn đang ngày ngày diễn ra. Theo thời gian, vẫn cần phải thích ứng với những biến đổi, rất khó để đưa ra kịch bản lâu dài khi chưa hiểu rõ vấn đề nội tại của ĐBSCL cần phải nhìn vào nhiều hoạt động khác. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp tích hợp để giải quyết các thách thức trong tương lai.
Đánh giá về quá trình sụt lún đất ở tỉnh Cà Mau, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Định, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, hiện nay Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được và triển khai những chính sách phù hợp cho vấn đề sụt lún ở Đồng bằng Sông Cửu Long, cụ thể là ở tỉnh Cà Mau. Theo các nhà khoa học, có 4 nguyên nhân chính gây ra vấn đề sụt lún ở tỉnh Cà Mau gồm: bơm hút nước ngầm; cố kết tự nhiên; thiếu hụt trầm tích do các đập thượng nguồn; việc xây dựng đô thị dẫn đến tăng tải trọng tĩnh, dễ gây sụt lún.
Sau đó, ông cũng đưa ra khuyến nghị, cần giảm bơm hút nước ngầm, tìm các nguồn nước thay thế phục vụ sinh hoạt cho người dân; đối với phát triển đô thị, cần có giải pháp quy hoạch, phân bố dân cư hợp lý để tránh tình trạng quá tải đô thị. Đối với các giải pháp thích ứng, về nông nghiệp, cần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để xác định nguyên nhân chính và đưa ra những biện pháp thiết thực, hiệu quả hơn.
Đào Thúy – Hà Linh