Sau con tôm, “bóng đêm” Covid-19 tiếp tục phủ xuống những cánh rừng bạt ngàn Cà Mau. Ở đó, cư dân lâm phần trông chờ đến ngày thu hoạch cây rừng nhưng chẳng bán được, hoặc có thì với giá “thấp cổ, bé họng”…
Đìu hiu Đước ngập mặn
Len lỏi dọc ấp Kinh Ráng của xã Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển), màu xanh làm lu mờ những kênh, rạch nhỏ. Ở đó, nhiều cánh rừng ngập mặn trồng cây Đước đã đến ngày thu hoạch nhưng chưa có đầu ra.
Ông Văn Công Tỏ, hộ nhận khoán đất trồng rừng Đước ở ấp Kinh Ráng, than vãn: “Cả tháng qua, dân trong vùng chạy đôn chạy đáo tìm nhà thầu mua cây nhưng chỉ có vài người đến xem qua loa rồi bỏ đi. Họ cũng than với mình, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc xuất khẩu than không được, nên không dám mua cây”.
Tình cảnh tương tự đối với gia đình ông Tô Văn Dưng và nhiều nông hộ trồng rừng Đước trên địa bàn ấp Ông Định, xã Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển). Đưa mắt về cánh rừng Đước hơn 3ha phía sau nhà, ông Dưng chua xót: “Rừng Đước trồng từ 15 năm trở lên mới được cây to thế này. Nhưng đến thu hoạch mà cây rớt giá thê thảm, lại khó tìm người mua”.
Ở miệt rừng ngập mặn huyện Ngọc Hiển, sinh kế của người dân phần lớn từ trồng rừng. Người dân được giao khoán từ 3-7 ha đất canh tác, trồng rừng Đước theo tỷ lệ 7-3, 6-4 hoặc 5-5… tuỳ theo diện tích. Diện tích không trồng rừng, người dân được tận dụng mặt nước để nuôi thuỷ sản, có nguồn thu ngắn đắp đổi qua ngày, chờ 15-20 năm sau để thu hoạch cây rừng, có số tiền lớn trang trải nợ nần, sửa sang nhà cửa…
Tuy nhiên, để khai thác được cây, cư dân lâm phần phải đăng ký từ năm trước. Sau đó, đơn vị quản lý rừng đo đạc, xem xét các yêu cầu rồi mới cấp phép khai thác lâm sản. “Chúng tôi chấp nhận giá thấp nhưng vẫn chưa bán được cây. Tình trạng này nếu kéo dài, chúng tôi sẽ bị mất lượt, chờ đến vài năm sau mới được thu hoạch cây” – Ông Lâm Toàn, hộ nhận khoán đất trồng rừng Đước ở ấp Ông Ðịnh, ngao ngán.
Thăm dò trong dân cho thấy, bình quân 1 ha rừng Đước đủ tuổi thu hoạch cho sản lượng khoảng 400 m3 gỗ. Trong năm 2018, giá gỗ Đước từ 1-1,2 triệu đồng, tính ra 1 ha người trồng rừng thu về khoảng 400 triệu đồng (chưa trừ chi phí).
Tuy nhiên, giá cây hiện tại được nhà thầu đấu giá mua chỉ từ 400-500 nghìn đồng/m3. Với mức giá sụt nêu trên, nếu bán được cây, người trồng rừng bị mất ít nhất 50% thu nhập…?
Cây Tràm qua “đại hạn”, vướng “đại dịch”…
Tình cảnh lâm sản rớt giá cũng đang làm đau đầu người trồng rừng và chính quyền ở miệt rừng U Minh hạ. Mưa dầm liên tục những ngày tháng 6 âm lịch báo hiệu đại ngàn rừng ngập ngọt Cà Mau đã an toàn, vượt qua mùa khô hạn khốc liệt.
Tuy nhiên, giá lâm sản hiện đang xuống rất thấp, được xem như đòn chí mạng với người trồng rừng tại địa phương.
Trông ngày trông đêm cho Tràm đến tuổi khai thác, nhưng khi cây đạt đến cừ 4, cừ 5 mà bán không được mới đau. Cách nay gần 2 tuần, tôi có dẫn thương lái vô xem cây nhưng họ không buồn trả giá, dù nghĩ thầm trong bụng, trả giá nào cũng bán – Ông Nguyễn Văn Chọn, có 7 ha đất trồng cây tràm theo hình thức quảng canh ở ấp 13 (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), buông giọng buồn so.
Cùng cảnh trên, gia đình ông Hồ Minh Nhàn ở xã Nguyễn Phích, có hơn 4 ha Tràm đến lứa thu hoạch nhưng bị bế đầu ra khiến gia đình lo “sốt vó”.
Ông Nhàn thở dài: “Cũng ảnh hưởng vì dịch bệnh nhưng thời điểm này năm trước, một hecta Tràm thâm canh có giá khoảng 100 triệu đồng, nhưng hiện chỉ còn khoảng 60 triệu đồng/ha mà cũng không có người mua”.
Lâm phần U Minh Hạ hiện có khoảng 23.000 ha rừng sản xuất, trong đó khoảng 16.000 ha có rừng, với ba loại cây rừng phổ biến là Tràm cừ, Tràm úc và Keo lai.
Trong số đó, cây tràm chiếm khoảng 2/3 diện tích, được trồng chủ yếu trên địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời, hầu hết thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh hạ.
Rà soát giá gần đây từ đơn vị quản lý rừng nêu trên, giá cây tràm trồng thâm canh hiện giảm trung bình từ 30-40% so với cùng kỳ 2020, từ 120-130 triệu/ha xuống còn khoảng 60-70 triệu/ha. Trong khi từ năm 2019 về trước, có thời điểm giá tràm đến 160 triệu đồng/ha.
Ông Trần Văn Hiếu, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh hạ, cho biết: Không chỉ giá cây sụt giảm mà gần đây, thương lái không thèm mua cây luôn, đổ thừa do vận chuyển không được. Theo đó, lâm phần U Minh hạ hiện còn lượng lớn diện tích rừng đến tuổi khai thác nhưng không bán được. Trong đó, khoảng 2.000 ha Tràm quảng canh, dù giá giảm gần một nửa so với tràm trồng theo hình thức thâm canh.
Giống với nông hộ ở miệt rừng ngập mặn, cư dân lâm phần miệt rừng U Minh hạ nhận giao khoán đất trồng rừng theo tỷ lệ (tuỳ diện tích lớn nhỏ), trung bình từ 5-7 ha. Trong đó, khoảng 70% bắt buộc trồng rừng, diện tích còn lại được canh tác nông nghiệp để “lấy ngắn nuôi dài”.
Nhờ đẩy mạnh chuyển giao khoa học, kỹ thuật nên hơn 5 năm gần đây, rất nhiều nông hộ ở U Minh hạ mạnh dạn chuyển từ trồng rừng quảng canh sang trồng rừng thâm canh năng suất cao. Cũng nhờ đó, chu kỳ trồng rừng được rút ngắn xuống còn từ 4-7 năm, thay vì hơn chục năm như trước.
Nguồn thu từ khai thác rừng được xem là thành quả tích luỹ trong nhiều năm, giúp bà con có nguồn thu lớn để trang trải và vươn lên trong cuộc sống. Nhưng với đà khó khăn về đầu ra như hiện nay, có thể những dự tính của người trồng rừng sẽ tan tành mây khói…!
Đường nào cho tiêu thụ lâm sản
Đó là trăn trở lớn của người trồng rừng và của các cấp quản lý trên lâm phần Cà Mau.
Số liệu từ Sở NN-PTNT Cà Mau, tỉnh hiện có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 164.000 ha. Trong đó, diện tích có rừng hơn 96.000 ha với 3 hệ sinh thái (đất rừng ngập phèn U Minh Hạ, đất rừng ngập mặn và đất rừng trên đảo), được giao cho 33 tổ chức tham gia quản lý và hơn 5.000 hộ gia đình, cá nhân được giao đất, giao rừng theo Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp.
Vừa qua, phát triển công nghiệp gỗ ở Cà Mau chú trọng đến rừng Tràm, rừng Keo lai, trong khi rừng ngập mặn quan tâm đến thuỷ sản và chất đốt từ gỗ Đước.
Sau hơn 5 năm mạnh dạn chuyển đổi phương thức quản lý đất rừng, mạnh dạn hợp tác trồng rừng kinh tế, lợi nhuận từ lâm phần ở Cà Mau tăng khoảng 3 lần so với trước.
Chỉ tính riêng năm 2020, nguồn lợi thu được từ rừng (lâm sản, thủy sản, lúa, chuối…) lên đến hơn 1.200 tỷ đồng.
“Dự báo trong năm 2021, tỷ trọng dưới tán rừng chỉ bằng khoảng 50% so với năm trước. Nguyên nhân do lâm sản đang có giá thấp bởi ảnh hưởng của dịch bệnh khiến đầu ra gặp khó, cung vượt cầu và việc vận chuyển lâm sản không thuận lợi, tốn nhiều thời gian” – Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, Lê Thanh Triều, chia sẻ.
Mặc dù có những khó khăn vào những thời điểm nhất định, nhưng Cà Mau vẫn được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển trồng rừng và khai thác lâm sản.
Để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh nêu trên, cũng như giải quyết căn cơ bài toán đầu ra cho lâm sản, trước mắt, các đơn vị quản lý rừng, cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương Cà Mau: Cần đẩy mạnh kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà thầu trong và ngoài tỉnh có nhu cầu, cùng tham gia, chung tay thu mua lâm sản của bà con với giá hợp lý nhất, không để việc lợi dụng ảnh hưởng của dịch bệnh để “đạp giò” hạ giá, bắt chẹt cư dân trồng rừng.
Về lâu dài, Cà Mau nên đẩy mạnh tái cơ cấu lại hai công ty lâm nghiệp ở Ngọc Hiển và U Minh, sớm hoàn thiện để nâng từ công ty một thành viên lên hai thành viên theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp.
Thành viên thứ hai cần chú trọng “kéo” doanh nghiệp chế biến gỗ tham gia, tạo chuỗi chế biến khép kín để tiêu thụ lâm sản tại chỗ cho cư dân trồng rừng, tiến đến xuất khẩu lâm sản.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, tạo vùng nguyên liệu rừng ổn định đạt các chứng chỉ quốc tế phục vụ xuất khẩu lâm sản, nâng cao chuỗi giá trị.
Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Thanh Triều, cho biết, song hành các giải pháp nêu trên, về lâu dài, địa phương sẽ có chính sách hợp lý hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương, đặc biệt trong việc khai thác lâm sản để chế biến thành bàn, ghế học sinh, chế biến hàng thủ công mỹ nghệ…, tăng chuỗi giá trị mặt hàng gỗ.
“Đi cùng với đó, chúng tôi sẽ quan tâm nhiều hơn trong chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, giúp nông hộ trồng rừng chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để canh tác hiệu quả dưới tán rừng, giúp bà con có nguồn thu ngắn ngày hiệu quả và ổn định nhất” – đồng chí Lê Thanh Triều chia sẻ.
“Mắm trước, đước sau, tràm theo sát/Sau hàng dừa nước mái nhà ai”. Cư dân miệt rừng Cà Mau thuộc nằm lòng câu thành ngữ thời khai hoang, mở đất. Thế hệ tiếp nối hôm nay vẫn xem rừng là tài sản quý báu, tiếp tục chung tay duy trì, phát triển màu xanh của rừng, kỳ vọng một ngày “rừng sẽ thành vàng…”.
Mong ước đó sẽ thành hiện thực khi có sự đồng lòng, chung tay của người trồng rừng, doanh nghiệp và các cấp quản lý, chính quyền tại địa phương. Để một ngày không xa, trở lại những thửa rừng Cà Mau, chuyện buồn nhói lòng, thắt dạ…không còn tài diễn…!