BVR&MT – Gỗ trắc (Dalbergia Cochinchinensis), từ năm 2013 đã được liệt kê trong Phụ lục II – Công ước quốc tế về buôn bán động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Tuy nhiên, những lỗ hổng trong quy định thương mại cũng như sự lỏng lẻo trong hệ thống quản lý đã tiếp tay cho các hoạt động buôn bán gỗ trắc trái phép tiếp tục hoành hành. Kẽ hở luật pháp đối với loài trắc đã được CITES điều chỉnh vào cuối năm ngoái, nhưng tương lai của các loài gỗ hồng mộc khác như cẩm lai và giáng hương vẫn vô cùng đáng lo ngại.
Vườn quốc gia Thap Lan cùng với Quần thể Khu bảo tồn Dong Phayayen – KhaoYai (Di sản UNESCO) của Thái Lan đang là tâm điểm của nạn khai thác gỗ trắc trái phép. Tuy nhiên, vượt khỏi nỗ lực của lực lượng kiểm lâm và tầm kiểm soát của Vườn, tham nhũng có hệ thống và gian lận thương mại đang tiếp tay cho hoạt động buôn bán gỗ trái phép tại các khu chợ đen ở Đông Nam Á. Nhiều lỗ hổng trong quản lý cùng việc thực thi lỏng lẻo, thậm chí là bất hợp lý của Công ước CITES đang từng bước đẩy loài gỗ trắc đến bờ vực tuyệt chủng.
Thị trường gỗ hồng mộc đang gây khó khăn cho công tác quản lý rừng và góp phần gia tăng nạn khai thác gỗ trái phép trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ), trong vòng 15 qua, nhu cầu gỗ hồng mộc ở Trung Quốc bùng phát mạnh mẽ, lượng gỗ nhập khẩu tăng tới 1250% từ năm 2000 đến năm 2015.
Lỗ hổng chết người
Năm 2013, gỗ trắc đã được liệt kê trong Phụ lục II của Công ước CITES nhằm ngăn chặn nạn khai thác trái phép và không bền vững loài gỗ này. Tuy nhiên, trong danh sách này, chú thích 5 quy định chỉ hoạt động buôn bán “gỗ khúc, gỗ tấm và gỗ lát” phải chịu sự kiểm soát của CITES, nhưng việc buôn bán các loại gỗ thành phẩm lại không cần giấy phép. Lỗ hổng này đã mở đường cho các cơ sở chế biến gỗ (đặc biệt ở Việt Nam) tiến hành tinh chế gỗ từ nguồn khai thác bất hợp pháp, sau đó lại bán các sản phẩm đồ gỗ một cách hợp pháp.
Theo đề xuất từ phía Thái Lan, năm 2016, chú thích 5 này đã được xóa bỏ khỏi công ước CITES cho loài gỗ trắc và thay thế bằng chú thích 4 nhằm kiểm soát tất cả các giai đoạn từ sản xuất đến thương mại (ngoại trừ giai đoạn hạt và cây con) để bảo vệ loài này. Tuy nhiên, trên thực tế, những cây gỗ trắc cuối cùng có thể đã bị đốn hạ.
Mặc dù vậy, quyết định này vẫn có ảnh hưởng tích cực đến công cuộc bảo tồn các loài gỗ cứng đang trên đà tuyệt chủng khác. Theo ông Jago Wadley – Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), việc điều chỉnh này tuy đã quá muộn đối với số phận của loài gỗ trắc nhưng sẽ tạo ra tiền lệ quan trọng cho tương lai các loài khác đang được liệt kê trong Công ước CITES.
Những giấy phép đáng ngờ
Thông thường, quy trình xuất – nhập khẩu các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng theo Công ước CITES đều phải được thực hiện thông qua một hệ thống cấp phép. Các bên tham gia Công ước cần phải có cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hệ thống cấp phép này. Các cơ quan quản lý nội địa của mỗi quốc gia xuất khẩu (hoặc tái xuất khẩu) chịu trách nhiệm kiểm soát, cấp giấy phép xuất khẩu (hoặc tái xuất khẩu) cho các loài được liệt kê trong Công ước. Giấy phép này chỉ được cấp trong điều kiện “hoạt động khai thác hợp pháp và việc xuất khẩu không gây bất lợi cho sự tồn tại của loài”. Mặc dù vậy, những hành vi cố tình giả mạo giấy phép hay cấp phép không hợp lệ đã khiến các cơ chế bảo vệ loài gỗ trắc bị cản trở trên diện rộng .
Báo cáo năm 2016 của Cơ quan Điều tra môi trường (EIA) cáo buộc việc dùng Công ước CITES để bảo vệ gỗ trắc “đa phần đã thất bại, bởi lẽ những sai phạm tại Campuchia và Lào đã làm suy yếu đáng kể nỗ lực kiểm soát thương mại của Công ước”. Báo cáo cho biết có nhiều dấu hiệu bất thường khi đa phần lượng gỗ trắc được xuất khẩu từ Campuchia và Lào suốt năm 2013 và 2014, đều được khai thác hợp pháp tại các quốc gia này; và số lượng giấy phép xuất khẩu đó đang “đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của loài gỗ trắc”. Nghi vấn đặt ra là gỗ được khai thác bất hợp pháp tại các khu vực như Thap Lan (Thái Lan) và được buôn lậu sang Campuchia và Lào, đều được buôn bán lại bằng những giấy phép xuất khẩu giả mạo hoặc không hợp lệ do chính cơ quan CITES tại các những quốc gia này cấp.
Ông Wadley cho rằng việc cấp giấy phép của CITES đang trở thành vỏ bọc cho một đường dây buôn bán trái phép gỗ trắc. Chính hệ thống quản lý yếu kém cùng với thủ tục cấp phép không minh bạch ở một số nước thành viên đã biến gỗ trắc trở thành nạn nhân điển hình cho sự thất bại của Công ước này.
Ban thư ký CITES tại Geneva chịu trách nhiệm hỗ trợ các bên tham gia Công ước trong hoạt động thực thi cũng như cấp phép. Sau chuyến công tác tại Lào vào cuối tháng 7/2016, Ban thư kí đã đình chỉ hoạt động buôn bán gỗ trắc tại Lào cho tới khi hoàn thiện quá trình kiểm kê và xây dựng được kế hoạch quản lý cho loài gỗ quý này. Quyết định này đã chính thức được thông qua tại Hội nghị COP 17 hồi cuối năm 2016.
Mối nguy với những loài thay thế gỗ trắc
Các loài gỗ thay thế được gỗ trắc như gỗ cẩm lai (Dalbergia oliveri), gỗ giáng hương (Pterocarpus macrocarpus) hiện đã thống trị thị trường hồng mộc ở Đông Nam Á. Với màu sắc tương tự gỗ trắc trong khi giá thành lại rẻ hơn, những loài gỗ được lựa chọn thay thế cho gỗ trắc này đang bị khai thác cạn kiệt để đáp ứng nhu cầu không ngừng gia tăng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
Nghiên cứu của EIA về việc buôn bán gỗ cẩm lai, gỗ giáng hương tại Myanmar và xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2013-2014 cho thấy sản lượng gỗ được buôn bán đã vượt mức cho phép. Tình trạng này sẽ đẩy cả hai loài gỗ trên tới bờ vực tuyệt chủng chỉ trong vòng 12 năm tới, thậm chí, còn có thể xảy ra sớm hơn nếu không có biện pháp tăng cường bảo vệ.
Gỗ cẩm lai đã được đưa vào Phụ lục II – Công ước CITES tại COP17 và chính thức có hiệu lực vào tháng 1/2017. Tuy nhiên, từ bài học thất bại đắt giá đối với gỗ trắc, thì việc xây dựng một hệ thống quản lý cấp phép minh bạch, có hiệu quả là vô cùng cần thiết đối với các quốc gia thành viên.
Ông Wadley cho rằng: “Nếu không có biện pháp can thiệp để cải thiện việc thực thi Công ước CITES tại Tiểu vùng sông Mê Kông thì vấn đề xảy ra với gỗ trắc có thể sẽ lặp lại với gỗ cẩm lai.”
Thùy Linh (Theo Mongabay.com)